Nhỏ Bình thường Lớn

Gỡ 'nút thắt' cho ngành năng lượng Việt Nam

Những thách thức, cơ hội của ngành năng lượng đã được các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện doanh nghiệp...nhận diện và bàn thảo tại Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam", ngày 12/10 tại Hà Nội.
Gỡ 'nút thắt' cho ngành năng lượng Việt Nam
Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam", ngày 12/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Kỳ)

Những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.

Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng.

Do đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia vào việc sử dụng năng lượng sạch. Việc này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ phía chính quyền để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng nhìn từ câu chuyện thiếu điện, cắt điện xảy ra vào mùa cao điểm, thiếu xăng dầu cục bộ như vừa qua thì thấy trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm.

Bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than, Việt Nam được thế giới đánh giá có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành ngành năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển...

Nhưng để phát triển ngành năng lượng, chủ động năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này.

Theo ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với một số thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Nguồn cung xăng dầu còn bị động, thiếu hụt và dễ tổn thương từ các tác động bất lợi từ bên ngoài.

Ông Thắng nhấn mạnh, việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. “Nếu chúng ta trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động đến an ninh năng lượng quốc gia”, ông Thắng cảnh báo.

Còn theo ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Vì vậy, cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn T&T cho biết, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như Luật hoặc thấp hơn là Nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các văn bản về thể chế và chính sách đã ban hành trong thời gian qua hoặc được lồng ghép vào các Quyết định, hoặc Chiến lược...

Chính vì thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững (chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy).

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, hiện chưa thấy có tiêu chí hoặc thuật ngữ định nghĩa thế nào là một dự án điện gió ngoài khơi? Do vậy, cần phân định cụ thể trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII ranh giới giữa điện gió trên bờ và ngoài khơi. Nếu không làm rõ được vấn đề này sẽ gây ra vướng mắc cho cả nhà đầu tư lẫn các địa phương và các bộ ngành.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu cũng bàn sâu các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới cũng như các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các nguồn điện theo hướng phù hợp, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Nỗ lực vượt bậc để hiện thực hoá tham vọng

Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Nỗ lực vượt bậc để hiện thực hoá tham vọng

Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về chuyển dịch năng lượng được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Tuy ...

Australia sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Australia sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch

Chiều 30/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia, tại trụ sở Nghị viện Australia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ...

Ngành Năng lượng Việt Nam với bài toán giảm phát thải ròng bằng '0'

Ngành Năng lượng Việt Nam với bài toán giảm phát thải ròng bằng '0'

Giảm phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 không thuần túy tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo mà cần phải tăng hiệu ...

Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 giới thiệu nhiều giải pháp, xu hướng mới

Diễn đàn Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 giới thiệu nhiều giải pháp, xu hướng mới

Ngày 29/6, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn Công nghệ ...

Phát triển năng lượng mặt trời áp mái, thúc đẩy xanh hóa năng lượng

Phát triển năng lượng mặt trời áp mái, thúc đẩy xanh hóa năng lượng

Trước nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tăng cao trong lĩnh vực sản xuất FDI tại Việt Nam, dẫn đầu ...