Hình ảnh tại Lễ trao giải Nghệ sĩ châu Á 2019 tại Hà Nội. (Ảnh: T.P) |
Mới đây, một lễ trao giải dành cho nghệ sĩ châu Á (chủ yếu là nghệ sĩ Hàn Quốc) cũng được coi là một đại nhạc hội Kpop nổi tiếng đã được tổ chức tại Việt Nam. Hàng nghìn bạn trẻ khắp mọi miền cả nước đã đổ về sân vận động Mỹ Đình chờ đợi từ sáng đến tối và xếp hàng dài để được gặp thần tượng. Các em sẵn sàng bỏ tiền triệu mua vé, thậm chí 4-5 triệu để có được tấm vé V.I.P với cơ hội nhìn thấy thần tượng tại thảm đỏ. Sự chịu chơi của một số fan Việt khiến người ta phải giật mình..
TS. Vũ Thu Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội: “Có rất nhiều điều cần làm khi con em bạn chọn nhầm thần tượng, nhưng trước tiên, hãy nói với chúng về đời sống thực, về những giá trị ảo và thật xoay quanh một nghệ sĩ hay một ngôi sao. Khi chúng biết được cả phía bóng tối, chúng sẽ không bị những ánh sáng hào quang ảo làm cho lóa mắt. Đời sống thật sẽ như một đối trọng cân bằng lại những thứ ngọt ngào được tạo ra nhờ kỹ xảo, kịch bản hay sự tung hô của đám đông”. |
Nhọc nhằn “hái sao” cho thần tượng
Đây là lần đầu tiên một lễ trao giải đình đám bậc nhất Hàn Quốc diễn ra tại Việt Nam. Bởi vậy, cộng đồng người hâm mộ (fandom) Kpop tại Việt Nam đã quyết định “chơi lớn” để đón thần tượng đình đám của mình.
Nhiều tuần trước sự kiện, hàng loạt hoạt động mừng thần tượng về dự lễ trao giải đã được các fandom Việt tích cực chuẩn bị với nhiều kế hoạch ấn tượng. Cụ thể, VNELF - fandom của nhóm Super Junior tại Việt Nam, đã ghi tên vào lịch sử fandom Kpop về độ “chơi trội” khi trở thành nhà tài trợ cho lễ trao giải và hỗ trợ luôn nước suối cho toàn bộ nhân viên cùng các ELF tham dự sự kiện. Đón nhóm TWICE, fandom của nhóm nhạc này cũng lên kế hoạch dùng linh vật khổng lồ chào đón thần tượng và mang đến 500 phần quà (banner, cup holder, bánh, nước) dành cho các fan tham dự... Sự đầu tư này của andom Việt không có gì ngạc nhiên bởi đây là cách các bạn trẻ bày tỏ tình cảm tới thần tượng.
Và rồi, đại nhạc hội ấy đã diễn ra thế nào? Mặc dù được cảnh báo trước, nhưng những khán giả lần đầu đi xem Kpop vẫn không khỏi bàng hoàng trước cảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, gào thét trước các phần trình diễn của thần tượng. Nhiều bạn trẻ nuối tiếc khi tấm vé V.I.P không phát huy tác dụng tiếp cận gần nhất thần tượng, không ít người mệt mỏi phải về sớm khi đêm nhạc còn lâu mới kết thúc...
Nỗi lo "hiệu ứng cánh bướm"
Hiệu ứng này được hiểu rằng một cánh bướm có thể tạo thành cả cơn lốc, hay một đốm lửa cũng có thể cháy lan cả cánh đồng. Trong thế giới thần tượng, người ta hay nhắc về hiệu ứng này ở cả hai mặt: một là hành động tốt của thần tượng được các fan khắp nơi hưởng ứng và lan truyền, hai là hành động tiêu cực của thần tượng sẽ tác động lại hàng loạt fan.
Thực tế, làng giải trí châu Á từng chấn động khi hay tin Kim Jonghyun, thành viên chủ chốt của nhóm nhạc SHINee qua đời vì tự tử. Ở cộng đồng fan của mỗi nước, hàng loạt thông điệp tiêu cực được viết, những buổi cầu nguyện lần lượt diễn ra và chỉ trong chưa đầy một ngày đã có người hâm mộ ở Hàn, Chile, Mỹ, Indonesia tự tử theo nghệ sĩ này.
Những việc bê bối của các “nam thần” cùng các vụ tự sát gần đây của một số nghệ sĩ Hàn cũng khiến người ta lo nghĩ về một “hiệu ứng cánh bướm” ở Việt Nam. Có thể thấy, đằng sau ánh hào quang là những góc khuất của đời sống Kpop với nhiều mặt trái có thể ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ.
Thần tượng có “cân” được tương lai?
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nghệ sĩ Hàn Quốc đến một bộ phận giới trẻ Việt Nam. Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì việc hội nhập, phát triển của ngành giải trí khiến cho đời sống tinh thần của các bạn trẻ thêm đa dạng và điểm tích cực mà họ học được từ nền âm nhạc này là sự năng động, trẻ trung và luôn khát khao. Chưa kể Kpop còn mang lại sự giao lưu, kết nối giới trẻ với nhau.
Tuy nhiên, trên các trang mạng hoặc trang cá nhân sẽ thấy có những bạn trẻ dường như đang trở nên mất dần sự kiểm soát trước những người được họ coi là thần tượng. Sự hâm mộ quá đà cũng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy mà có lẽ fan cuồng vốn đang ở tuổi teen chưa ý thức hết được...
Còn nhớ, hồi đầu năm chương trình Hello Counselor của Đài Truyền hình Quốc gia Hàn Quốc (KBS) đã cho phát sóng câu chuyện một nữ sinh có tên Yu Na đã bỏ học trốn tiết, phải ở lại lớp vì tâm trí cả ngày chỉ tập trung vào thần tượng. Câu chuyện đã trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn mạng xã hội và phương tiện truyền thông tại Hàn Quốc xung quanh văn hóa hâm mộ thần tượng.
Ở Việt Nam, chuyện về Kpop cũng thường dậy sóng khi những fan cuồng sẵn sàng ăn ngủ ở sân bay cả ngày trời, tìm kiếm mọi cách để có tiền vào cổng, thậm chí còn đòi bỏ nhà ra đi vì bố mẹ không cho tiền đi xem. Các em đâu hiểu rằng chính thần tượng của họ đôi khi phải chạy trốn vì cách hâm mộ này, như một thành viên nhóm nhạc DBSK từng nói: “Đừng quan tâm đến chúng tôi quá mà hãy quan tâm đến cuộc đời bạn. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn. Nếu không học hành đàng hoàng thì đừng tự nhận là fan của chúng tôi”.
TS. Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. HCM: “Để đám đông thoát khỏi cơn ám ảnh thần tượng cũng cần có thời gian. Trước tiên là giáo dục ở gia đình và nhà trường cần quan tâm đến thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn vốn thích bắt chước, thích sùng bái một ai đó, để giúp họ hiểu được những giá trị của chính mình, chứ không phải vay mượn, chạy theo người nổi tiếng”.
TS. Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. HCM: “Để đám đông thoát khỏi cơn ám ảnh thần tượng cũng cần có thời gian. Trước tiên là giáo dục ở gia đình và nhà trường cần quan tâm đến thanh thiếu niên ở độ tuổi mới lớn vốn thích bắt chước, thích sùng bái một ai đó, để giúp họ hiểu được những giá trị của chính mình, chứ không phải vay mượn, chạy theo người nổi tiếng”. |