📞
Chuyên gia nước ngoài:

Gói giải cứu 1.900 tỷ USD - 'Hiệu ứng số nhân' với kinh tế Mỹ và 'số cộng' với hàng Việt

Hoàng Nam 08:00 | 30/03/2021
Tấm séc 1.400 USD có lẽ không đủ để mua một chiếc ô tô mới, nhưng đó là một khoản tiền đủ lớn để mua đồ nội thất, quần áo, đồ dùng điện tử. Tuy nhiên, nếu bạn sản xuất ngay hôm nay và giao hàng vào 6 tháng sau thì có thể đã quá muộn.

TG&VN có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Thạc sĩ MBA, EMBA và Quản trị, Đại học RMIT về tác dụng của gói giải cứu kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD và tác động đến kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Thạc sĩ MBA, EMBA và Quản trị, Đại học RMIT. (Ảnh: MN)

Sau rất nhiều nỗ lực từ đảng Dân chủ, bất chấp sự phản đối từ phe Cộng hòa, cuối cùng, gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD đầy tham vọng của nước Mỹ đã được Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Ông đánh giá như thế nào về động thái này trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra?

Giống như mọi quyết định chính sách lớn ở Mỹ, gói kích thích này đã trải qua tranh luận gay gắt giữa các bên trước khi được tung ra. Mặc dù đảng Cộng hòa ủng hộ gói kích thích trị giá nhỏ hơn nhiều (600 triệu USD), đề xuất 1.900 tỷ USD của đảng Dân chủ cuối cùng đã thắng thế vì đảng này hiện chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ.

Gói kích thích này là một sáng kiến quan trọng để khởi động lại nền kinh tế Mỹ - hiện vẫn đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 24% GDP toàn cầu (trong khi đó, Trung Quốc chiếm khoảng 19%). Với quy mô như vậy, một nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh là mong muốn của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Vào năm 2020, Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm GDP khoảng 2,3%. Tỷ lệ phần trăm này thấp hơn so với nhiều nền kinh tế khác, nhưng xét về giá trị tuyệt đối, con số này tương đương khoảng 500 tỷ USD.

Để thấy được con số này lớn như thế nào, hãy nhớ rằng GDP của Việt Nam năm 2019 là khoảng 261 tỷ USD. Như vậy, mức sụt giảm GDP do đại dịch ở Mỹ vào năm 2020 tương đương với khoảng 20 tháng hoạt động của nền kinh tế Việt Nam.

Nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã chỉ ra một cách để kích thích nền kinh tế là chính phủ cấp phát tiền cho khu vực tư nhân và người tiêu dùng. Nếu hoạt động tiêu dùng sôi nổi hơn, thì hoạt động sản xuất cũng sẽ phải tăng để đáp ứng. Từ đó, sẽ tạo ra việc làm và lại tiếp tục có tác động tích cực đến tiêu dùng.

“Vòng tăng trưởng tích cực” này là mục đích cốt lõi của gói kích thích, với công cụ chính là các khoản thanh toán trực tiếp cho công dân Mỹ. Một lựa chọn khác cho các nhà hoạch định chính sách để kích thích nền kinh tế là giảm lãi suất, nhưng biện pháp này hiện nay có lẽ khó phát huy hiệu quả vì lãi suất đang gần bằng không.

Như vậy, nói chung các chính sách về “ngân sách” (thanh toán cho người dân) - chứ không phải về “tiền tệ” (lãi suất thấp hơn) – đang là cách tốt nhất để giúp nền kinh tế Mỹ tái khởi động.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng gói 1.900 tỷ USD được tài trợ bởi nợ chính phủ Mỹ và sẽ phải được trả lại (ít nhất là trên lý thuyết). Nợ công hiện tại của Mỹ vào khoảng 21 nghìn tỷ USD. Vì vậy, gói kích cầu đã tăng thêm gần 10% vào tổng nợ - một mức tăng đáng kể.

Những ý kiến chỉ trích gói kích thích là có cơ sở vì nó có nguy cơ chuyển gánh nặng tài chính từ thế hệ hiện nay sang thế hệ tiếp theo.

Gói giải cứu này sẽ được sử dụng như thế nào và theo ông thì nó sẽ có tác động ra sao đối với nền kinh tế, xã hội nước Mỹ?

Gói kích thích (với tên chính thức là “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”) bao gồm một số hạng mục. Biểu đồ dưới đây cho thấy số tiền lớn nhất trong tổng gói 1.900 tỷ USD được chuyển trực tiếp đến các hộ gia đình. Hầu hết các hộ gia đình sẽ nhận tấm séc trị giá 1.400 USD.

Ngoài ra, còn có các khoản tín dụng thuế trẻ em, hỗ trợ tiền thuê nhà và các khoản thanh toán trực tiếp khác. Hơn 1/3 gói cứu trợ sẽ được chuyển đến chính quyền các bang và các địa phương. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để giúp các trường học mở cửa trở lại và tài trợ cho các nỗ lực ngăn chặn Covid-19.

Trợ cấp thất nghiệp chiếm khoảng 19%, trong khi trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 8%.

Nhiều khả năng, tác động đến nền kinh tế sẽ thể hiện đầu tiên ở việc các doanh nghiệp bán lẻ và hàng tiêu dùng sẽ có nhu cầu tăng vọt. Sự gia tăng nhu cầu này sẽ thúc đẩy đầu tư vào hoạt động sản xuất và các nhà máy.

Vì vậy, có lẽ trong vòng 6 đến 12 tháng nữa, chúng ta có thể kỳ vọng rằng nhu cầu đối với các mặt hàng như thép xây dựng, máy móc hoặc thiết bị sản xuất cũng sẽ tăng theo.

Hy vọng rằng “hiệu ứng số nhân” sẽ lớn. Hiệu ứng số nhân đo lường mối quan hệ giữa giá trị gói kích thích nền kinh tế và mức tăng thu nhập thực tế. Có thể tác động lên thu nhập của gói kích thích sẽ cao hơn giá trị 1.900 tỷ USD nhiều lần do cơ hội việc làm được cải thiện mạnh mẽ. Và đó chính là nguyên nhân chính cho việc thông qua gói kích cầu.

Nói cách khác, nếu chính phủ Mỹ bơm 1.900 tỷ USD vào nền kinh tế, thì có khả năng số tiền lớn gấp đôi sẽ đi vào nền kinh tế thông qua các hiệu ứng “vòng tăng trưởng tích cực” giữa gói kích thích và thu nhập.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vậy, gói cứu trợ khổng lồ này sẽ có ảnh hưởng thế nào tới ngành xuất khẩu nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh hiện nay?

Tỷ trọng xuất khẩu hàng tiêu dùng của nền kinh tế Việt Nam sang Mỹ là khá lớn. Đây chính là những mặt hàng sẽ có nhu cầu tiêu thụ cao hơn nhờ các khoản hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ Mỹ cho các hộ gia đình.

Tấm séc 1.400 USD có lẽ không đủ để mua một chiếc ô tô mới, nhưng đó là một khoản tiền đủ lớn để mua đồ nội thất, quần áo, hay thiết bị điện tử tiêu dùng.

Giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử tiêu dùng khác chắc chắn sẽ ghi nhận nhu cầu gia tăng tại Mỹ. (Nguồn: Báo Tin tức)

Theo ông, về lâu dài, gói kích thích kinh tế này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Về lâu dài, gói kích thích chắc chắn có ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam vì nó được kỳ vọng sẽ thực sự tái khởi động nền kinh tế Mỹ và đưa quốc gia này tăng trưởng trở lại.

Một số mặt hàng công nghiệp, hàng hóa trung gian hoặc hàng hóa lâu bền như thép, tấm pin mặt trời, máy móc… có thể phải chờ đến cuối năm thì nhu cầu mới tăng.

Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Mỹ nên tác động tích cực sẽ tương đối nhỏ.

Theo ông, ngành hàng nào của Việt Nam sẽ nhận được những tác động trước tiên, và ông dự đoán mức độ ảnh hưởng của nó đến đâu?

Các khoản thanh toán trực tiếp cho người dân Mỹ được thiết kế để tăng sức tiêu thụ cho các mặt hàng tiêu dùng trong các hộ gia đình và có giá thành tương đối thấp. Giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử tiêu dùng khác chắc chắn sẽ ghi nhận nhu cầu gia tăng. Và với quy mô lớn của gói tổng thể, nhu cầu có thể kéo dài trong 6 đến 9 tháng tới.

Trên thực tế, gói kích cầu đầu tiên vào tháng 5/2020 cũng đã có tác động tích cực đến các nhóm hàng này và cũng trong khoảng thời gian dài tương đương.

Trong bối cảnh đó, ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam để đón đầu những lợi ích từ động thái này?

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang Mỹ nên tin tưởng rằng nhu cầu sẽ tăng trong ngắn hạn. Vì vậy, doanh nghiệp hãy lường trước điều này và đảm bảo rằng có các kênh phân phối phù hợp ở Mỹ. Có lẽ đây là thời điểm tốt để mở rộng phạm vi phân phối của doanh nghiệp để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn.

Một điều quan trọng cần lưu ý, đó là hiện nay “thời gian đưa ra thị trường” khá ngắn. Có nghĩa là, nếu bạn sản xuất ngay hôm nay và giao hàng vào sáu tháng sau thì có thể đã quá muộn. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng chuỗi phân phối và logistics.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt cần phải tự tin và quyết đoán thì mới hưởng lợi được từ gói kích thích, và họ nên gấp rút đầu tư vào các quy trình ngay lập tức.

Thật đáng mừng vì các chủ doanh nghiệp và nhà quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam hiện đang làm rất tốt. Theo Trading Economics, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 8 vào Mỹ kể từ đầu năm 2021, tăng hai bậc. Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt đã tăng lên so với các nước khác.

(thực hiện)