Nhận được khoản tiền lớn từ gói kích thích kinh tế Mỹ, đa số người nói rằng, thay vì chi tiêu, họ sẽ dùng tiền để trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư. |
Theo tiêu chí, gói kích thích kinh tế Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD chủ yếu đem lại lợi ích cho người nghèo và tầng lớp trung lưu. Hầu hết người dân Mỹ sẽ nhận được tấm cheque trị giá 1.400 USD/người, người thất nghiệp sẽ được nhận thêm 300 USD/tuần cho đến tháng 9/2021 và các bậc phụ huynh sẽ được nhận khoản tín dụng thuế đặc biệt.
Ngoài ra, 350 tỷ USD sẽ được chuyển cho chính quyền các bang và địa phương mà nguồn thu bị cạn kiệt do dịch bệnh. Các trường học sẽ được nhận 170 tỷ USD, 45 tỷ USD sẽ được dùng để giúp đỡ người dân chi trả các khoản tiền thuê nhà, sử dụng dịch vụ tiện ích, tiền thế chấp và hàng chục tỷ USD sẽ được phân bổ để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, trong đó 29 tỷ USD được dùng để trợ cấp cho các nhà hàng.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích dự báo, gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ có thể sớm được chuyển thành cổ phiếu và bitcoin.
Khác với hai khoản cứu trợ đầu tiên vốn chỉ giới hạn cho người dưới 17 tuổi, tiền cứu trợ đợt này được gửi đến hầu hết trong tổng số 85% người dân Mỹ, tất cả những người phụ thuộc đủ điều kiện nhận, gồm sinh viên, người trưởng thành bị tàn tật, các bậc cha mẹ và ông bà.
Gần 160 triệu hộ gia đình ở Mỹ sẽ nhận tổng cộng khoảng 400 tỷ USD, với số tiền gửi trực tiếp là 1.400 USD/người, tới các cá nhân có thu nhập 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng và con cái có thu nhập 150.000 USD/năm.
Những người có thu nhập cao hơn mức 80.000 USD/người hoặc 160.000 USD/cặp đôi - sẽ không được nhận hỗ trợ.
Mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách là khoản tiền phát trực tiếp cho người dân, cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tốc độ tiêm chủng vaccine được thúc đẩy nhanh chóng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt cả năm. Việc nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội cũng như tăng cường tiêm chủng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đây chính là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay.
Sức mua của người tiêu dùng lâu nay là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đa số người Mỹ đã nói rằng, thay vì chi tiêu, họ sẽ dùng tiền được trợ cấp để trả nợ, tiết kiệm hoặc đầu tư, theo một cuộc khảo sát của Bank of America với 3.000 người. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 30% người được hỏi sẽ dùng tiền để trả nợ, 25% sẽ tiết kiệm và 9% sẽ đầu tư.
Báo cáo cho thấy, những khoản tiền đó sẽ "nằm trong hệ thống tài chính và không tạo ra nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế thực".
Chỉ có 36% người được hỏi nói họ có ý định chi tiêu những khoản tiền này, "không rõ thị trường tiêu dùng có thể được duy trì như thế nào, khi chỉ có thể nói chúng giống như những “thực thể phàm ăn”, báo cáo của Bank of America viết.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chính đã liên tiếp đạt kỷ lục mới trong những ngày qua, kể từ sau khi ông Biden ký ban hành luật về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD. Các nhà đầu tư đặt cược việc rót tiền gấp rút sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự hấp dẫn của bitcoin cũng là một kênh không thể bị bỏ qua. Ngân hàng đầu tư Mizuho Securities cũng công bố nghiên cứu cho thấy, khoảng 10% khoản tiền trong gói kích thích, tương đương khoảng 40 tỷ USD sẽ được đầu tư vào cổ phiếu hoặc tiền điện tử như bitcoin.
Một cuộc khảo sát với 235 người kiếm được ít hơn 150.000 USD cho thấy, 35-40% người được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư một phần số tiền được chính phủ phát vào cổ phiếu và tiền điện tử. Và 61% trong số các nhà đầu tư này có ý định mua bitcoin, chuyên gia Dan Dolev thuộc nhóm nghiên cứu của Mizuho cho biết.
Nói với CNBC, ông Dan Dolev chia sẻ, “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy bitcoin là một phương tiện đầu tư lớn hơn cổ phiếu. Trong khi, loại tiền điện tử này đạt mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Bảy tuần trước (ngày 13/3), ở mức 60.000 USD.
Một cuộc khảo sát khác với 430 người của Deutsche Bank cho thấy, "những người trả lời khảo sát đã có kế hoạch đưa trực tiếp một phần lớn (37%) của bất kỳ gói kích thích nào sắp tới vào thị trường chứng khoán". Có thể nói "một dòng vốn lớn" sẽ được đổ vào thị trường này.
Theo ngân hàng trên, trong hai đợt kích cầu trước đó vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế ngừng hoạt động, chỉ có khoảng 8% số quỹ được sử dụng vào cổ phiếu. Cuộc khảo sát còn cho thấy những người trẻ từ 25-34 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người dự định nhảy vào thị trường bằng tiền cứu trợ, tiếp theo là những người trong độ tuổi từ 35-44.
Goldman Sachs ước tính, với kế hoạch cứu trợ của Tổng thống Biden, "các hộ gia đình sẽ đại diện cho nguồn cầu lớn nhất đối với cổ phiếu Mỹ vào năm 2021".
Nhà kinh tế David Kostin của Goldman Sachs cho biết, ngân hàng ước tính nhu cầu cổ phiếu của các hộ gia đình Mỹ trong năm nay sẽ tăng lên 350 tỷ USD từ 100 tỷ USD, "điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và lãi suất cao hơn chúng tôi đã giả định trước đây rằng, các khoản thanh toán kích thích bổ sung cho các hoạt động bán lẻ vào đầu năm 2021”, Goldman Sachs nhận định.