Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga: Quá nhiều ‘vùng cấm’, EU đành quay xe, có mà như không? (Nguồn: Export.org.uk) |
Đại diện các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức xem xét đề xuất mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) về các biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga.
Dù đến nay chưa biết chính xác sẽ mất bao lâu để họ đi đến đồng thuận, nhưng giả định khả thi về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022 – sẽ được thông qua vào ngay nửa cuối tháng 5 này.
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là một trong những quyết sách chung hiếm hoi của EU được quyết định nhanh hơn bình thường.
Giới quan sát đánh giá, có hai lý do để các quan chức EU “xuống tay quá nhanh” là họ đã nghiên cứu rất kỹ từ trước và quá quen thuộc với các đề xuất trừng phạt mới này.
Lý do thứ hai khiến gói trừng phạt thứ 11 nhắm vào Nga có thể được thông qua tương đối dễ dàng, vì xét cho cùng, “nó chẳng có gì mới và khả năng trừng phạt yếu”.
Cụ thể, ở nhiều khía cạnh, chúng vẫn tuân theo khuôn mẫu các biện pháp trừng phạt như 5 gói sau cùng đánh vào Nga đã được Brussels triển khai kể từ mùa Hè năm ngoái. Họ phần lớn nhằm vào việc bịt các lỗ hổng và thắt chặt “các chốt chặn”, làm rõ các điều khoản đã được thỏa thuận và chỉ đưa ra thêm một vài biện pháp không gây thiệt hại đáng kể nào cho nền kinh tế Nga.
Theo đó, trong gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, EU đã không thể nhất trí đưa thêm lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga qua đường ống, cũng như ngành công nghiệp hạt nhân rộng lớn của nước này, bao gồm cả tập đoàn khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Rosatom. Nguồn tin dẫn lời một nhà ngoại giao EU tiết lộ, rất khó để đụng vào các yếu tố nhạy cảm trên, vì có quá nhiều sự phản đối từ các quốc gia phụ thuộc vào lượng khí đốt còn lại.
Mối giao thương kim cương béo bở của Nga với EU cũng sẽ được "để yên" và khối này vẫn có thể xuất khẩu hàng hóa, chẳng hạn như laser, dịch vụ điện toán đám mây và bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp của Nga.
Cụ thể hơn, một trong những lý do khiến Brussels không theo đuổi các biện pháp trừng phạt năng lượng nặng nề hơn là Hungary và một số quốc gia Trung và Đông Âu khác, chẳng hạn như Bulgaria và Slovakia, đã lên tiếng cảnh báo, họ chưa sẵn sàng đồng ý với các động thái như vậy. Đây là quan điểm có thể sẽ không thay đổi, chừng nào giá năng lượng vẫn ở mức cao và có nguy cơ tăng vọt trở lại vào mùa Thu và mùa Đông năm nay.
Điều đó cho thấy rằng, trong đề xuất gói trừng phạt thứ 11, dù vẫn có những điều khoản nhắm vào năng lượng của Nga và có thể đã được Budapest và những thành viên phản đối khác đồng thuận, thì thực ra, phạm vi điều chỉnh của chúng rất hẹp, thậm chí không ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia.
Biện pháp mới quan trọng nhất được đề xuất trong gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga là việc Brussels yêu cầu truy quét các nước thứ ba đang cố tình lách lệnh trừng phạt của EU. Đây là một nỗ lực của EU nhằm thực hiện cái gọi là "các biện pháp trừng phạt thứ cấp", mà Mỹ vốn thường sử dụng để đạt được hiệu quả lớn trên phạm vi toàn cầu trong thời gian qua.
Hiện tại chưa có quốc gia thứ ba nào nằm trong tầm ngắm của EU, nhưng thương mại của khối này với các nước Trung Á và Nam Kavkaz đã tăng vọt bất thường kể từ khi Moscow bị áp 10 vòng trừng phạt, với bằng chứng cho thấy, hàng hóa đang đến Nga thông qua các quốc gia này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Brussels - nếu có - sẽ sử dụng bao nhiêu công cụ được đề xuất này để chống lại các nước thứ ba?
Trong các cuộc thảo luận ban đầu giữa đại diện các nước EU, cả Đức và Italy đều cảnh báo rằng, một động thái như vậy có thể đẩy các nước xích lại gần Moscow hơn.
Trong dự thảo đề xuất trừng phạt có một số bước mà Brussels nên thực hiện trước khi đưa ra bất kỳ hình phạt nào. Văn bản lưu ý, "trước khi đưa một quốc gia thứ ba vào danh sách các quốc gia liên quan đến biện pháp này, EU nên thông báo và thăm dò quan điểm của chính phủ nước đó, trên cơ sở những đánh giá sơ bộ và hành động khắc phục dự kiến".
Theo cách nói của EU, điều đó có nghĩa là khối này sẽ có cách tiếp cận nhẹ nhàng đối với những đối tượng có liên quan và bị cho là đã “phạm luật”, ở nước thứ ba.
Có lẽ phần gây tranh cãi nhiều nhất của gói trừng phạt thứ 11 là đánh vào 8 công ty Trung Quốc bị cho là đã hỗ trợ Điện Kremlin trong cuộc xung đột với Ukraine. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên EU nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc trong bối cảnh xung đột quân sự tại Ukraine. Tất nhiên, Bắc Kinh đã lập tức phản ứng dữ dội trước thông tin này.
Như vậy, sự đồng thuận về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga vẫn còn quá nhiều “vùng cấm” khá nhạy cảm đối với lợi ích riêng của từng quốc gia thành viên EU. Và nhiều nước trong số họ rất cảnh giác với việc chống lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc.