📞

Góp phần giúp phụ nữ Việt Nam ngày càng tiến bộ, bình đẳng

Hà Anh 10:00 | 06/03/2022
Với chủ đề “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra từ 9-11/3, nhằm đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội năm năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 vì phát triển bền vững”, ngày 18/10/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong lịch sử phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, mỗi kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc đều đánh dấu một bước trưởng thành của Hội. Có thể thấy, đây là cơ hội để phụ nữ khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong cộng đồng xã hội, trong sự phát triển của đất nước và dân tộc, là bệ phóng để phụ nữ Việt Nam sánh ngang tầm, hội nhập cùng bạn bè quốc tế.

Trước thềm Đại hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Hội đã chuẩn bị mọi điều kiện cần và đủ nhằm tiến hành khai mạc Đại hội XIII. Điều tự hào là dự thảo các văn kiện trình Đại hội được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện và có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.

Những công trình ý nghĩa

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc là một đợt sinh hoạt chính trị lớn, là niềm vui chung của cả toàn thể cán bộ hội viên, phụ nữ Việt Nam khi nhìn lại các thành tựu văn hóa, kinh tế, xã hội. Riêng với cán bộ, hội viên phụ nữ, đây thật sự là một cơ hội tốt để tuyên truyền với toàn xã hội về vai trò Hội với công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Để chào mừng sự kiện chính trị quan trọng này, hội viên phụ nữ cả nước đã cùng hướng về Đại hội bằng rất nhiều công trình thiết thực, ý nghĩa. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các công trình chào mừng không chỉ mang ý nghĩa cổ động, hay đơn thuần để “báo cáo thành tích” mà từng công trình đều thực hiện cả tình yêu thương của cán bộ, Hội viên dành cho cộng đồng, bám sát cuộc sống, dân sinh.

Đặc biệt, các chị em đều vận động, đạt vượt chỉ tiêu các chương trình, cuộc vận động lớn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chủ động, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều chương trình hành động cụ thể, hiệu quả như phong trào “Phụ nữ cả nước vì Miền Nam ruột thịt”, Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”; Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19. Tổng cộng, chỉ riêng việc hỗ trợ phòng, chống dịch các cấp Hội đã huy động được nguồn lực trị giá trên 480 tỷ đồng.

Chủ tịch Hà Thị Nga đánh giá cao công tác tuyên truyền của Hội LHPN các cấp, trong đó có sự nỗ lực không nhỏ của TP. Hồ Chí Minh về đại hội phụ nữ các cấp, hướng đến đại hội toàn quốc. Có thể nói, các chị em ở địa phương đã tổ chức tuyên truyền rất bài bản, sâu rộng, trong các tầng lớp nhân dân với nhiều kênh, tuyến quan trọng, có trọng tâm, để mọi tầng lớp nhân dân cùng chia sẻ với sự kiện này, cùng nhìn hướng đi của Hội song hành sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam

Định hướng phát triển

Hội LHPN Việt Nam cho biết, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội xác định mục tiêu chung của nhiệm kỳ: Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

Dự thảo cũng xác định năm quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và những năm tiếp theo, cụ thể:

Thứ nhất, bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội.

Thứ hai, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.

Thứ ba, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội.

Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến.

Chủ tịch Hà Thị Nga đặt kỳ vọng các đại biểu sẽ thể hiện được vai trò trong việc tham gia vào Đại hội, đóng góp các ý kiến vào văn kiện Đại hội với tầm nhìn chiến lược; hiến kế những giải pháp hay, thiết thực vì sự phát triển, hạnh phúc của phụ nữ.

Bà chia sẻ: “Tôi mong rằng, từ Đại hội lần này, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước chúng ta hãy tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội, của phụ nữ Việt Nam, cùng nhau đoàn kết, đem hết khả năng, trách nhiệm, tập hợp động viên các tầng lớp phụ nữ đồng sức, đồng lòng, phát huy vai trò, góp phần tích cực xây dựng nước.

Phụ nữ chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến, đóng góp vào dòng chảy lịch sử xây dựng, phát triển hào hùng của tổ chức Hội LHPN Việt Nam, phấn đấu chăm lo toàn diện, góp phần giúp phụ nữ Việt Nam ngày càng tiến bộ, bình đẳng”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm hỏi, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Bentiu, ngày 21/4/2021. (Nguồn: TTXVN)

Nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức

Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới và đất nước có nhiều thay đổi về việc làm, thu nhập, nhất là những tác động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh: “Đây là cơ hội, cũng là thách thức lớn của Hội. Mặc dù tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tăng nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Chúng ta vẫn có địa phương, tỷ lệ nữ tham gia tỉnh ủy dưới 10%, thậm chí không có ủy viên thường vụ tỉnh ủy là nữ. Tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo ở các bộ, ngành và ở các sở còn ít. Tỷ lệ lãnh đạo nữ tại các doanh nghiệp chưa tương xứng với số lượng, tiềm năng của lực lượng lao động nữ. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng hội nhập và tận dụng các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Cũng theo bà Hà Thị Nga, trên thực tế, tốc độ thu hẹp khoảng cách giới không bắt kịp sự thăng hạng về kinh tế của Việt Nam. Dù Việt Nam có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới khá tốt nhưng việc thực hiện có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Còn không ít những rào cản vô hình, những tác động tiêu cực của định kiến giới trong xã hội và gia đình, kể cả những hạn chế nội tại của một bộ phận nữ giới…

Trước thách thức này, bên cạnh sự chủ động ứng phó tích cực và quyết liệt, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục giám sát, phản biện để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật hiện hành nhằm khắc phục nhanh những hạn chế, bất cập. Mặt khác, chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới triển khai gần 30 năm qua cho thấy, trên mọi lĩnh vực, vị trí, vai trò người phụ nữ đã được nâng lên một tầm cao mới.