📞

Góp ý bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Để toàn dân tham gia lập hiến

09:03 | 05/04/2013
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này đã quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (1/2011), Nghị quyết của Quốc hội số 06/2011/QH13 (ngày 6/8/2011), và Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 Khóa XI (5/2012), nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (được bổ sung, phát triển năm 2011), đáp ứng nhu cầu khách quan, trong tình hình mới khi tiến vào thế kỷ 21.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông. (Ảnh: Minh Châu/TG&VN)

Đây là bản Dự thảo được chuẩn bị rất công phu, thận trọng và có nhiều điểm mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế quốc tế, đặc biệt là xu hướng điều chỉnh hiến pháp trên thế giới sau Chiến tranh lạnh đến nay, như cấu trúc quyền lực theo 2 chiều: (i) Chiều ngang là giữa 3 nhánh quyền lực (là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp), và (ii) Chiều dọc là giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; Nhấn mạnh hơn vấn đề Quyền của con người so với Hiến pháp 1992; Lần đầu tiên thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập...

Về nội dung của bản dự thảo, tôi xin có 5 ý kiến sau:

Thứ nhất, Lời nói đầu cần thể hiện tính chủ thể của Hiến pháp là nhân dân. Bản chất của Hiến pháp là “của dân, do dân và vì dân” và nhân dân Việt Nam trao quyền, tạo điều kiện cho Quốc hội dự thảo Hiến pháp sửa đổi này. Nhiều nước đưa ngay cụm từ “Chúng tôi, nhân dân nước…, làm bản Hiến pháp này để…”. Hiến pháp năm 1946 cũng thể hiện sự ủy quyền của nhân dân và tính “của dân, do dân” này bằng cụm từ “Được nhân dân Việt Nam giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng…”. Để thể hiện điểm này, bản Dự thảo chỉ cần điều chỉnh câu cuối cùng của Lời nói đầu là: “Với nguyện vọng phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng đất nước dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Quốc hội và nhân dân Việt Nam làm bản Hiến pháp sửa đổi này”.

Thứ hai, Quốc hội xem xét bổ sung cụm từ “cân bằng” trong Điều 2 của Chương I, được đọc lại là: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát và cân bằng giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” vì 2 lý do chính: (i) Trong khi thực hiện chủ trương mới về kiểm soát quyền lực (như Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra) và phương châm “quyền lực càng lớn, càng phải kiểm soát chặt chẽ và khoa học”; thực tế bản dự thảo đã và đang thể hiện một bước sự cân bằng quyền lực giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp; và (ii) Cân bằng quyền lực là một khái niệm cơ bản trong lập hiến, xây dựng bộ máy nhà nước, cũng như quan hệ quốc tế hàng trăm năm nay, để ngăn chặn nguy cơ cực đoan, lạm dụng quyền lực, giữ tính ổn định và bền vững của một hệ thống chính trị quốc gia hay quốc tế.

Thứ ba, đối với Chương VI về thiết chế Chủ tịch nước, bản dự thảo cần làm rõ hơn thiết chế Chủ tịch nước thuộc nhánh quyền lực nào. Hiến pháp một số nước đưa Thiết chế Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ vào chung một Chương Hành pháp. Thực tế của ta có thể không nhất thiết phải như vậy, nhưng có thể đưa vào Điều 93 hay 94 trong Chương VI về Chủ tịch nước.

Thứ tư, đối với Chương X về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, là một Chương mới và bước phát triển quan trọng của Dự thảo lần này so với 4 Hiến pháp của ta trước đây, nhưng không mới đối với nhiều nước trên thế giới. Nhưng để Hiến pháp mang tính thích nghi, dự báo và ổn định cao hơn, ta nên xem xét đổi thành Chương về “Các thiết chế Hiến định độc lập” hay Chương về “Các cơ quan do Quốc hội thành lập”, như Hiến pháp của nhiều nước khác (tuy hình thức thể hiện khác nhau). Nếu Quốc hội thành lập Hội đồng bảo hiến (để bảo vệ và giải thích Hiến pháp, ví dụ như khi có ý kiến cho 1 văn bản vi hiến), Ủy ban chống tham nhũng (Anti-corruption Commission) độc lập hay Thanh tra Quốc hội hay Thanh tra Nhà nước (mô hình Ombudsman mà nhiều nước đã áp dụng, để giải quyết những khiếu kiện của công dân với các cơ quan nhà nước) như nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị, thì có thể đưa vào Chương X này. Một số nước khác còn thành lập một số cơ quan hiến định độc lập khác như: (1) Ngân hàng Trung ương (như Trung Quốc, nhiều nước ASEAN, Nga, Nhật Bản, EU, Mỹ…) tập trung 2 chức năng chính là i)- Thực hiện chính sách tiền tệ, chống lạm phát, và ii)- Giám sát Ngân hàng thương mại (như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đề nghị khi Quốc hội bàn về tái cơ cấu nền kinh tế), (2) Ủy ban thống kê quốc gia (National Board of Statistics – NBS) để cung cấp không chỉ cho Quốc hội hay Chính phủ mà cả nước về thực trạng nền kinh tế một cách khách quan, mang tính chuyên nghiệp cao, (3) Ủy ban Quốc gia về quyền con người để theo dõi và giám sát việc tôn trọng và thực thi quyền con người là một trong những thành tố quan trọng nhất của mọi Hiến pháp.

Tổ chức Liên Nghị viện Thế giới (IPU) coi những thiết chế này là “những thực tiễn tốt” (good practices) cần xem xét.

Tuy nhiên, khi thành lập các cơ quan hiến định độc lập, có 2 khía cạnh Hiến pháp có thể nêu : (i) Để đảm bảo tính độc lập, Quốc hội quyết định riêng về ngân sách của các cơ quan này và nhiệm kỳ của lãnh đạo các thiết chế này không nên trùng với nhiệm kỳ của các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế; (ii) Bản thân các cơ quan này cũng phải chịu sự giám sát và giải trình trước Quốc hội.

Thứ năm, trong khi tập trung nội dung thực chất của Hiến pháp, hình thức và độ dài của Hiến pháp có tầm quan trọng nhất định. Theo những tài liệu tham khảo cung cấp cho các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Hiến pháp của ta năm 1946 chỉ có 3.385 từ, Hiến pháp 1959 có 9.573 từ, Hiến pháp 1980 tăng lên 14.482 từ, Hiến pháp 1992 có 16.091 từ. Tôi rất hoan nghênh dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này rút ngắn hơn so với Hiến pháp 1992 (còn hơn 14.300 từ, tương đương mức trung bình Hiến pháp các nước là 14.565), nhưng vẫn đảm bảo những định hướng và thành tố quan trọng nhất.

Không có một mô hình hay độ dài Hiến pháp lý tưởng, mà tùy vào thể chế chính trị và yêu cầu của mỗi nước. Nhưng có một thực tế phổ biến là Hiến pháp càng ngắn (ngắn nhất là của Bhutan chỉ có 165 từ), thì càng dễ phổ biến, dễ nhớ, đỡ lạc hậu, dễ ổn định, thích nghi. Hiến pháp dài (đến nay dài nhất thế giới là của Ấn Độ gồm hơn 117.000 từ tiếng Anh), chi tiết thì sẽ cụ thể hóa hơn các điều khoản, nhưng có nguy cơ chóng lạc hậu, tuổi thọ không dài, phải thường xuyên sửa đổi hơn. Hiến pháp nên ngắn gọn, súc tích, rõ ràng gồm những thành tố căn bản nhất, trình bày rõ ràng và khoa học, để dễ hiểu, dễ phổ biến và dễ thực hiện. Những tài liệu dài nhất trên thế giới thường ít được đọc nhất. Các vấn đề cụ thể khác sẽ được đưa vào các luật chuyên ngành sau theo chương trình lập pháp của Quốc hội.

Cuối cùng, tôi hoàn toàn nhất trí việc Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, thể hiện tính chủ thể của Hiến pháp, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân bầu, dân kiểm tra”, biến đợt sửa đổi Hiến pháp lần này thành đợt sinh hoạt chính trị lớn của toàn dân như tinh thần Thông báo của Chính phủ Hồ Chí Minh (đăng trên báo Cứu quốc ngày 10/11/1945 khi công bố bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên) là “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà, nên Chính phủ công bố bản dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình…”, và thể hiện chủ trương của Đảng là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Hà Huy ThôngĐBQH Thừa Thiên Huế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

(Trích tham luận tại kỳ họp thứ 4, QH khóa 13 ngày 16/11/2012)