Một sự kiện đang được giới công nghệ mong đợi, có thể xảy ra ngay trong năm nay, là sự ra mắt của GPT-5. |
Nhiều người dùng các phiên bản trước đang chờ đợi GPT-5, nhưng sự xuất hiện của một trong những hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất trên thế giới được giới chuyên gia nhìn nhận một cách mơ hồ. GPT-5 là gì? Tiềm năng và khả năng của mạng thần kinh nhân tạo mới là gì? Việc triển khai có thể dẫn đến điều gì?
Hành trình bước vào cuộc sống của con người
Sự xuất hiện của GPT và các mô hình ngôn ngữ khác trở thành một bước quan trọng hướng tới việc đưa AI vào cuộc sống của con người hiện đại. Khả năng của hệ thống AI mới tổng quát còn xa giới hạn phát triển của chúng. Trong những năm tới, công nghệ AI có thể có tác động rất lớn đến việc thay đổi thị trường lao động, thay thế nhiều ngành nghề đang có nhu cầu cao về thương mại, tiếp thị, dịch vụ khách hàng và các ngành khác.
Năm 2018, các nhà phát triển đã phát hành phiên bản đầy đủ đầu tiên của mạng thần kinh này, được gọi là GPT-1. Sau khi phát hành thành công phiên bản đầu tiên, các chuyên gia OpenAI đã phát triển GPT-2, GPT-3 và ChatGPT. Sau này là một chatbot có AI hoạt động ở chế độ đàm thoại, dựa trên phiên bản cải tiến của mô hình ngôn ngữ GPT-3.5.
Phiên bản mới nhất là GPT-4 ra mắt vào tháng Ba năm ngoái. Một lợi thế quan trọng của phiên bản thứ tư này là khả năng vượt qua các kỳ thi và bài kiểm tra ở nhiều môn học khác nhau được cải thiện. Nó cho thấy kết quả xuất sắc trong một số lĩnh vực, vượt trội đáng kể so với hiệu suất của GPT-3.5 tiền nhiệm.
Đến lượt GPT-5, một tầm cao mới của AI
GPT-5, mô hình tiếp theo của OpenAI sau GPT-4, hứa hẹn đưa AI lên một tầm cao mới. Dự kiến mẫu thế hệ mới sẽ vượt trội hơn rất nhiều về sức mạnh của mẫu trước đó. Mục tiêu chính của mô hình này là đưa nhân loại đến gần hơn với việc tạo ra trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) - một cỗ máy thông minh có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, giống như bộ não con người, từ viết văn bản đến điều khiển ngôi nhà thông minh.
GPT-5 sẽ có thể tạo ra các văn bản tốt hơn và sáng tạo hơn, dịch ngôn ngữ, viết các loại văn bản sáng tạo khác nhau, trả lời các câu hỏi về nhiều chủ đề khác nhau và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác liên quan đến xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Nếu nhìn vào quỹ đạo cải tiến, hệ thống GPT-3 có lẽ đã ở mức độ thông minh của trẻ em. Hệ thống GPT-4 giống trí thông minh của học sinh trung học hơn. Và GPT-5 dự kiến sở hữu trí thông minh của một tiến sĩ.
Nói như cựu Giám đốc kỹ thuật của tổ chức nghiên cứu OpenAI Mira Murati, một trong những người đứng sau việc tạo ra ChatGPT, “mọi thứ đang thay đổi và cải thiện rất nhanh”.
Sự xuất hiện của GPT-5 được mong đợi từ đầu năm, song vẫn chưa rõ ngày phát hành. Các nhà phân tích của Autogpt.net cho rằng ChatGPT 3 được phát hành vào tháng 6/2020, tiếp theo là ChatGPT 3.5 vào tháng 11/2022. Nếu OpenAI duy trì tốc độ tương tự, chúng ta có thể mong đợi ChatGPT 5 sẽ được trình làng vào khoảng cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, vì ChatGPT 4 đã ra mắt vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo bà Mira Murati, mô hình mới sẽ không sớm hơn cuối năm 2025 hoặc thậm chí là đầu năm 2026.
Tính năng và cải tiến mang tính cách mạng
Nếu thành công, những điều AI tạo ra có thể không thể phân biệt được với chính sản phẩm do con người tạo ra. AI ở cấp độ cao hơn có khả năng học và hiểu bất kỳ nhiệm vụ hoặc khái niệm nào mà con người có thể tiếp cận được và không bị giới hạn ở các nhiệm vụ hoặc chức năng cụ thể. Có thông tin cho rằng sau khi phát hành, GPT-5 sẽ được thêm vào dịch vụ YesAibot, nơi đã có sẵn Stable Diffusion, SDXL, cũng như ChatGPT, bao gồm cả GPT-4 Omni được phát hành gần đây thông qua giao diện Telegram tiện lợi.
ChatGPT-5 chắc chắn sẽ có một số tính năng và cải tiến mang tính cách mạng. Ông Sam Altman, người đứng đầu OpenAI từng tuyên bố: “Những cải tiến quan trọng nhất có thể liên quan đến khả năng phân tích”, đề cập khả năng của các mô hình AI trong việc diễn giải thông tin, đưa ra kết luận và giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng dữ liệu có sẵn và suy luận logic.
Đầu tiên, GPT-5 sẽ có thể tạo ra các văn bản gần như không thể phân biệt được với văn bản do con người viết. Thứ hai, phiên bản này có thể hiểu rõ hơn các sắc thái của ngôn ngữ con người, kể cả sự mỉa mai. Thứ ba, GPT-5 sẽ có thể giải quyết các nhiệm vụ phức tạp hơn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chủ đề, chẳng hạn như viết bài báo khoa học hoặc mã chương trình. Mô hình này sẽ có thể đào tạo trên lượng dữ liệu nhỏ hơn, điều này sẽ tăng tốc độ phát triển các ứng dụng mới. Đáng chú ý, GPT-5 có thể tích hợp các hệ thống AI khác, cho phép tạo ra các ứng dụng phức tạp và thông minh hơn.
Rủi ro và lợi ích song hành
Sự phát triển của GPT-5, thành tựu AGI có thể đang đến gần hơn so với dự đoán của nhiều người. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng AI giống chatbot có thể đạt được nhiều sức mạnh đến mức nằm ngoài tầm kiểm soát.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gần 40% dân số có việc làm trên thế giới phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến AI. Một khía cạnh làm cho AI trở nên khác biệt là khả năng tác động đến các công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Kết quả là, các quốc gia có nền kinh tế phát triển phải đối mặt với rủi ro lớn hơn liên quan đến mạng thần kinh nhân tạo.
Sự phát triển của AI ở thế hệ thứ 5, tức là GPT-5, có thể dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch và tin giả. Việc lạm dụng công nghệ khiến dư luận có thể bị thao túng. Mạng thần kinh nhân tạo, do đặc tính kỹ thuật của nó, gây ra nhiều rắc rối trong vấn đề quyền riêng tư và lưu trữ an toàn dữ liệu số. Và cuối cùng, việc tự động hóa công việc do sự tiến bộ của GPT-5, có thể dẫn đến thất nghiệp và tình hình kinh tế - xã hội xấu đi.
Tất nhiên, không thể phủ nhận tác động tích cực của việc triển khai GPT-5 là thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo ra việc làm mới trong lĩnh vực AI, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của con người do tự động hóa các công việc thường ngày. Ông Ramiz Shirinov, kỹ sư công nghệ thông tin tại Integrated Services điểm đến tính hữu ích của AI “trong giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, như chống biến đổi khí hậu, tạo ra thuốc mới và đổi mới công nghệ”.
Theo Giáo sư Alexander Afanasyev tại Viện BRICS Baikal, còn quá sớm để nói về AI mạnh mẽ có khả năng tấn công loài người. Hiện tại không có xung đột lợi ích giữa con người và AI vì trong tương lai, sự phát triển của AI sẽ hướng vào không gian. Hơn nữa, AI quan tâm đến việc bảo tồn loài người trong trường hợp có điều gì đó bất ngờ xảy ra trong quá trình phát triển của nó.
* * *
GPT-5 không chỉ là mô hình mới mà còn là một cuộc cách mạng thực sự trong hệ sinh thái AI. Các chuyên gia cho rằng, GPT-5 có tiềm năng cách mạng hóa các ngành công nghiệp, mang lại những khả năng từng được coi là khoa học viễn tưởng, mở ra những chân trời mới cho việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực.
GPT-5 được kỳ vọng cải thiện đáng kể tư duy logic và giải quyết vấn đề, thậm chí có thể phân tích các câu đố và câu hỏi chưa từng gặp, đưa ra những phỏng đoán thông minh hơn cũng như những dự đoán và câu trả lời chính xác hơn.
Sự phát triển của AI từ GPT-1 lên GPT-5 minh chứng rõ ràng cho tốc độ phát triển của công nghệ này. Tương lai của mạng lưới thần kinh, bất chấp những tiến bộ và thách thức, vẫn là một chủ đề thú vị vì nó chắc chắn sẽ góp phần định hình thế giới ngày mai.