Các ngân hàng sẽ hạ lãi suất huy động và cho vay trong vài ngày tới |
Động thái trên của NHNN được coi là bất ngờ vì đây thực chất là các biện pháp nới lỏng tiền tệ, có vẻ mâu thuẫn với thông điệp của Chính phủ phát đi tuần trước tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, đại diện có trách nhiệm của NHNN giải thích thêm về các quyết định được coi là bất ngờ. Thứ nhất, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 sẽ còn tăng thấp hơn cả tháng 9 và lạm phát trong những tháng cuối năm cũng sẽ thấp. Thứ hai, các dự báo cả trong và ngoài nước cho thấy giá của nhiều hàng hóa chủ chốt trên thị trường thế giới sẽ giảm mạnh. Thứ ba, lãi suất trên thị trường trong nước đang có xu hướng hạ, vốn khả dụng trên thị trường dư thừa nhiều. Thứ tư, một trong những vấn đề rất cần quan tâm hiện nay là thúc đẩy sản xuất.
|
Theo công bố của NHNN, trước khi có quyết định giảm lãi suất cơ bản và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất cho vay VND ngắn hạn của các ngân hàng quốc doanh phổ biến ở mức 19,12%/năm; các ngân hàng cổ phần là 20%. Với quyết định giảm lãi suất cơ bản xuống 13%/năm, lãi suất cho vay tối đa của các ngân hàng tại VN chỉ còn 19,5%/năm.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, nói: "Với quyết định này, các ngân hàng sẽ có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ cho phát triển của các doanh nghiệp". Tuy nhiên ông Thanh cho rằng dù giảm lãi suất thì việc tăng cho vay cũng không dễ. Theo ông, ngoài việc giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động nhưng mức giảm sẽ... từ từ để tránh rủi ro có thể xảy ra. Cũng trong chiều qua, Vietcombank đã giảm lãi suất huy động tiết kiệm VND kỳ hạn trên 6 tháng xuống mức 15,5%/năm, dưới 6 tháng là 16%/năm.
Nguồn tin từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) cho biết, ngân hàng này sẽ hạ lãi suất cho vay trong 1 - 2 ngày tới khi đã tính toán tổng thể về các thông số hiện tại của ngân hàng. BIDV dự kiến sẽ hạ lãi suất cho vay trước khi hạ lãi suất huy động.
Tổng giám đốc Habubank Bùi Thị Mai thì cho biết, ngân hàng này cũng đang dự kiến giảm cả lãi suất cho vay và huy động trong vài ngày tới, nhưng phải họp ban điều hành để cân đối mức giảm sao cho phù hợp. Bình luận về khả năng tăng cho vay khi giảm lãi suất, bà Mai nói: "Rất khó! Lãi suất giảm thì chỉ hướng vào một bộ phận doanh nghiệp thôi còn nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng các ngân hàng không cho vay vì sợ rủi ro".
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng từ nay đến cuối năm và qua năm 2009, mục tiêu chống lạm phát vẫn còn. Quyết định giảm lãi suất cơ bản 1% là phù hợp đối với thị trường hiện nay bởi nếu giảm 2% thì mức lãi suất trần cho vay 18%/năm khó phát huy các giải pháp chống lạm phát; còn nếu giảm dưới 1% thì lãi suất trần cho vay cũng giảm không đáng kể. Với mức lãi suất cơ bản 13% đã làm trần lãi suất cho vay xuống còn 19,5%/năm. Mỗi ngân hàng sẽ tính toán đưa ra mức lãi suất cho vay cạnh tranh khác nhau dựa vào lãi suất tiền gửi bình quân cộng với các khoản chi phí khác. Những ngân hàng nào có tỷ trọng tiền gửi thanh toán nhiều sẽ có mức lãi suất cho vay thấp.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng nhận xét với các quyết định của NHNN cho thấy chính sách tiền tệ đã được nới lỏng để tạo tiềm năng tăng trưởng. Trong thời gian qua, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống dưới mức 21%/năm, tuy nhiên không phải khách hàng vay nào cũng được mức lãi suất thấp. Khi lãi suất cơ bản được điều chỉnh giảm còn 13%, các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ mức trần 21%/năm xuống mức trần mới 19,5%/năm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các ngân hàng ồ ạt cho vay bởi tình hình lạm phát hiện nay vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến trên thị trường tài chính thế giới vẫn khó lường.
Theo Thanh Nien