Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). (Ảnh: Hoài Nam) |
Tiềm năng bỏ ngỏ
Hà Nội là TP có nhiều tiềm năng và lợi thế khi hội đủ yếu tố tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch xanh bền vững. Thiên nhiên ưu đãi cho Thủ đô hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Từ khí hậu 4 mùa rõ rệt, cho đến nhiều loại địa hình đa dạng bao gồm các đồng bằng trù phú đến các miền sơn cước…
Các hệ thống cảnh quan sinh thái với Vườn quốc gia Ba Vì, khu thắng cảnh Hương Sơn, cảnh quan vùng núi Viên Nam... cùng một số không gian nông nghiệp như vành đai cây chuyên canh ở các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức… vành đai trồng hoa cây cảnh tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh... có truyền thống lâu đời.
Nổi bật là sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, tắm lá thuốc của người Dao, huyện Ba Vì; các hoạt động trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa); du lịch cộng đồng tại huyện Thạch Thất… Sản phẩm du lịch xanh của Hà Nội không chỉ vừa sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, vừa là cảnh quan tự nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch đặc biệt du lịch nông thôn, du lịch trang trại.
Phát triển du lịch xanh, du lịch số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là hướng đến phát triển du lịch Thủ đô bền vững. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu chia sẻ, thời gian tới, sở sẽ tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành, nhằm giúp các địa phương xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu của du khách, từ đó tăng tính kết nối tour, tuyến du lịch, khai thác được thế mạnh của du lịch cộng đồng, du lịch xanh góp phần giúp du lịch Thủ đô phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả hơn…
Phát triển du lịch nâng tầm Thủ đô
Trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch xứng tầm với thế mạnh của Thủ đô: Như, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Phát triển đa dạng các loại hình cơ sở lưu trú, từ hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn từ 4-5 sao, căn hộ du lịch cao cấp, biệt thự du lịch) đến hệ thống khách sạn xếp hạng từ 1-3 sao, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), làng du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch...
Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng thế giới. Như du lịch di sản văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, mô hình du lịch cộng đồng - hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát triển du lịch.
Ngoài ra nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Cần đẩy mạnh hơn nữa truyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.
TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Để Hà Nội trở thành cực tăng trưởng của cả nước nhanh, bền vững cần xác định rõ Hà Nội đứng ở đâu và nằm ở vị trí nào trong danh sách chung của cả nước, từ đó, có hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia tăng mức tăng trưởng theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ trong đó có du lịch.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Tổng cục Du lịch đề xuất: Hà Nội cần làm tốt và quảng bá hiệu quả hơn thế mạnh về di tích lịch sử đông đảo và đặc biệt mà không địa phương nào theo kịp, thậm chí nhiều di sản văn hóa thế giới để phát triển du lịch đồng thời quy hoạch nguồn xả thải hiệu quả, góp phần vào mục tiêu “net-zero” mà Chính phủ cam kết triển khai.