📞

Hà Nội tập trung cao độ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho ngày bầu cử

Trần Hải 18:48 | 21/05/2021
Ngày 21/5, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Chu Ngọc Anh cho biết, trước diễn biến dịch đang rất phức tạp, hiện Hà Nội còn 4 chùm ca bệnh, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều di biến động dịch như nhiều trường hợp F1 từ các tỉnh, thành khác liên quan đến Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. (Nguồn: SK&ĐS)

Chính vì thế, Chủ tịch UBND Chu Ngọc Anh yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố cần tập trung toàn lực để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là phải bảo đảm an toàn cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5 tới.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần cập nhật nhanh tình hình, tập trung cao độ cho việc phòng, chống dịch cho công tác bầu cử, kiểm soát dịch tại những nơi có nguy cơ cao để bảo đảm cho ngày hội toàn dân diễn ra thành công, không được để xảy ra sai sót.

Lấy mẫu xét nghiệm sau khi bỏ phiếu nếu cử tri có tiếp xúc gần với trường hợp nghi mắc Covid-19

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện Hà Nội còn 4 chùm ca bệnh, đó là chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng có 39 F0, 939 F1; chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều có 86 F0; chùm ca bệnh liên quan đến tỉnh Hưng Yên có 6 F0, 53 F1; chùm ca bệnh liên quan đến tỉnh Bắc Ninh có 16 F0, 220 F1.

Ngoài các chùm ca bệnh này, những chùm ca bệnh còn lại cơ bản đã được kiểm soát, đó là chùm ca bệnh liên quan đến các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc, liên quan đến ca bệnh người Ấn Độ tại Khu đô thị Times City, liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Nhằm chuẩn bị cho công tác bầu cử, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các địa phương, đơn vị cần lấy mẫu xét nghiệm trước và sau thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ thành viên của Tổ bầu cử tại điểm bầu cử ở khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sau khi bỏ phiếu đối với cử tri có tiếp xúc gần nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc Covid-19 thuộc khu vực điểm bỏ phiếu bầu cử.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Đức Hạnh đề xuất các đơn vị luôn sẵn sàng, khẩn trương truy vết, dập dịch khi phát hiện ca bệnh; rà soát năng lực xét nghiệm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến dịch; quản lý chặt các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội đã thực hiện rà soát người lao động từ các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang, hạn chế tiếp xúc đối đa bên ngoài, thực hiện nghiêm thông điệp "5K".

Hiện, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội đã triển khai phần mềm QR Code khai báo y tế, có thông tin người lao động (địa chỉ, số điện thoại), thống kê được số lượng xe đưa đón công nhân. Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cũng đề xuất các KCN vào ngày 23/5 không tổ chức làm việc, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động tham gia bầu cử.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì các tổ công tác tại các bến xe, bố trí các chốt tại các tuyến đường giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận; chốt tại các ngã tư, tuyến đường trọng điểm…. phòng ngừa dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại cuộc họp. (Nguồn: SK&ĐS)

Tại các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là các địa phương có bệnh nhân F0 như xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín), phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Sóc Sơn... đã tích cực triển khai biện pháp phòng, chống dịch như: Khoanh vùng, phong tỏa tạm thời khu vực bệnh nhân ở, lập các chốt kiểm soát theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập"; đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan và xét nghiệm ngẫu nhiên những nơi có nguy cơ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá, cơ bản các ổ dịch được kiểm soát tốt, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn còn phức tạp. Vì thế, công tác phòng, chống dịch phải thực hiện đồng bộ, tận dụng 48 giờ vàng dập dịch; siết chặt an toàn bệnh viện và các khu cách ly tập trung. Các tổ giám sát và tuyên truyền Covid-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà, phát hiện các nguy cơ trong cộng đồng.

Ứng trực 24/24 xử lý các tình huống phát sinh

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, hơn 3 tuần qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, căng sức trên các địa bàn vừa phòng chống dịch vừa thực hiện mục tiêu kép. Các ca bệnh mới đều là F1 đã được cách ly. Trong 2 ngày tới, tất các các cấp phải quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng và Bí thư Thành ủy là mọi công tác phải “đúng và trúng” để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, an toàn, đúng luật.

Không được để lây nhiễm trong cơ quan hành chính các cấp, đặc biệt là các tổ bầu cử. Có phương án hỗ trợ đặc biệt, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chủ động, linh hoạt phân chia các tổ bầu cử, kiểm tra cụ thể phương án phòng chống dịch ở từng điểm bầu cử. Từng khâu, từng bước phải rà soát, hoàn thiện liên tục.

Chủ tịch UBND các quận huyện thị xã chỉ đạo các xã phường đảm bảo chế độ báo cáo ứng trực 24/24 để kích hoạt ngay khi có tình huống phát sinh, thần tốc kiểm soát dịch bệnh theo các bước. Bất kỳ lúc nào phải thông kênh, thông máy… Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng ứng trực 24/24 để xử lý ngay các công việc.

Ông Chu Ngọc Anh đặc biệt nhất mạnh: “Đây là lúc phải vào cuộc quyết liệt, nghiêm ngặt nhất trong tất cả các khâu” và giao Sở Y tế phải cập nhật, đánh giá, nhận định, dự báo có phương án kịp thời ở các địa bàn nguy cơ; rà soát, kịch bản ở từng điểm bầu cử; hoàn thành sớm, lấy mẫu xét nghiệm cho lực lượng phục vụ bầu cử ở các điểm cách ly tập trung, nơi phong tỏa trước vào sau bầu cử không để nguy cơ lây lan dịch bệnh; Công an thành phố đảm bảo tuyệt đối an toàn các điểm bầu cử, Bộ Tư lệnh Thủ đô siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung…

Các cơ sở y tế phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, siết chặt ngay mọi quy trình tiếp nhận, sàng lọc, cách ly… Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn khu vực trọng yếu này; phân luồng bệnh nhân khi cần thiết.

Các cơ sở điều trị bệnh nhân dương tính cần rà soát chặt chẽ cơ số giường bệnh, trang thiết bị, trang phục bảo hộ, vật tư tiêu hao để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo đảm không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

(theo SK&ĐS)