Năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. (Ảnh: Bạch Dương) |
Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, những năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thành phố đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực, với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học là chủ thể, các doanh nghiệp là trung tâm.
Năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII - Provincial Innovation Index) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, đứng số 1 toàn quốc ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14 chỉ số trong 52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ (KHCN), tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế…
Hà Nội hiện đang đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp KHCN trên địa bàn với 168/800 doanh nghiệp KHCN của cả nước, chiếm 21%. Theo Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành phố hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm hơn 26% cả nước. Đến tháng 8/2024, Hà Nội đã có 32 vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, chiếm hơn 38% tổng số vườn ươm của cả nước; 14 tổ chức cung cấp chương trình thúc đẩy kinh doanh, chiếm 40% cả nước.
Những năm qua, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiều đề án liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong dó có Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025" (Đề án 4889). Sau hơn 4 năm triển khai Đề án 4889, thành phố đã đạt những kết quả đáng ghi nhận như: tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo cho 180 doanh nghiệp, cá nhân, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn; các khóa đào tạo cho huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo từ các cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn…
Việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những khâu đột phá được TP. Hà Nội xác định theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII. Sau 3 năm, hoạt động phát triển thị trường KHCN, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh, Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp Hà Nội còn được hưởng ưu đãi đặc thù theo Luật Thủ đô như: Nhận hỗ trợ từ ngân sách thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách thành phố để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô; hỗ trợ chi phí ươm tạo; tham gia thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo...
Khắc phục vướng mắc, xứng tầm tiềm năng, lợi thế
Tuy đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, song hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Hà Nội thời gian qua được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; đến năm 2030, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. (Ảnh: Bạch Dương) |
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Đức Hoàng, trong bối cảnh 90% doanh nghiệp trong nước nhỏ và vừa, với năng lực hạn chế, việc tiếp cận và nhận ưu đãi về tài chính cho hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ vẫn còn một số vướng mắc như cơ chế về quỹ đầu tư mạo hiểm, bảo lãnh và ưu đãi vốn vay, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ… Ngoài ra, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Các nguồn cung công nghệ trong nước phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất…
Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, theo Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội cần chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp, phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ, đồng thời cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, Hà Nội cần sớm cụ thể hóa các chính sách đã được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Thủ đô cần tập trung triển khai nhiệm vụ đánh giá năng lực, trình độ công nghệ của doanh nghiệp để cung cấp thông tin chi tiết về hiện trạng, tiềm lực đổi mới sáng tạo. Theo giới phân tích, hoanh nghiệp được phân thành các nhóm khác nhau dựa trên mục tiêu phát triển, gồm: Nhóm doanh nghiệp lớn, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm doanh nghiệp KHCN và nhóm khởi nghiệp sáng tạo. Để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau thì cần đưa ra những gói chính sách riêng làm sao để các nhóm này có thể "hấp thụ" được khi chính sách được đưa ra.
Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất Hà Nội hỗ trợ thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm để kéo nguồn vốn từ nước ngoài cho doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm; tăng cường sự hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề tầm cỡ, quy mô lớn...
Với những thành tựu đang có, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; đến năm 2030, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và đến năm 2045, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.