Hạ viện Mỹ trong phiên thảo luận. (Nguồn: House.gov) |
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce cho biết: “Dự luật đưa ra những biện pháp gia tăng sức ép về tài chính, nhằm phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức cấp cao của Triều Tiên, cũng như các nguồn ngoại tệ mạnh để duy trì quyền lực của họ".
Theo đó, dự luật sẽ cho phép Chính phủ Mỹ thi hành các biện phát trừng phạt bất cứ cá nhân, tổ chức nào tiến hành các giao dịch với Triều Tiên, liên quan đến các hoạt động mua bán vũ khí hủy diệt hàng loạt và hàng hóa xa xỉ, các hoạt động rửa tiền, lạm dụng quyền con người. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức tiến hành giao dịch tài chính để hỗ trợ các hoạt động bị cấm của Triều Tiên cũng sẽ bị nước Mỹ trừng phạt.
Nước Mỹ sẽ mở rộng lệnh cấm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng như các cá nhân đã tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng chống lại Mỹ, xâm nhập vào hệ thống tài chính Mỹ. Tổng thống Mỹ sẽ trừng phạt các ngân hàng và chính phủ nước ngoài nào hỗ trợ cho Triều Tiên vi phạm các hạn chế tài chính theo Nghị quyết 2094 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (được thông qua sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2013), và yêu cầu tăng cường kiểm tra các chuyến hàng từ Triều Tiên.
Để thành luật, dự luật trên phải được Thượng viện Mỹ thông qua, sau đó trình Tổng thống Mỹ Barack Obama ký. Theo Reuters, với sự đồng thuận hiếm hoi của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa về việc gia tăng trừng phạt Triều Tiên, Thượng viện Mỹ nhiều khả năng ủng hộ dự luật này.
Nếu trở thành luật, đây sẽ là phản ứng mạnh mẽ tiếp theo của Washington sau vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6/1. Trước đó, phía Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ đồng thời tuyên bố sẽ có nhiều hoạt động triển khai khí tài quân sự tới bán đảo Triều Tiên.
Dự luật này đưa ra lần đầu tiên vào năm 2015, nhưng không được xem xét bỏ phiếu, cho tới khi Bình Nhưỡng đưa ra tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch.