Đó là đánh giá của TS. Đặng Đức Anh, Ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế quý II/2017” sáng 5/4, tại Hà Nội.
Tọa đàm nhằm đánh giá một số điểm nổi bật của kinh tế vĩ mô trong quý I/2017, thảo luận dự báo kinh tế vĩ mô quý II/2017 và gợi ý về một số chính sách.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CafeF) |
Tăng trưởng GDP quý II/2017 đạt 5,6% hoặc 6,27%
Tại Tọa đàm, TS. Đặng Đức Anh đã đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế quý II/2017. Theo đó, với kịch bản cơ sở là: công nghiệp chế biến chế tạo dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn quý I với mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn so với quý I, tỷ giá tương đối ổn định, tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước cao hơn so với quý I… thì dự báo tăng trưởng GDP quý II sẽ đạt 5,6%.
Kịch bản theo kế hoạch là: công nghiệp khai khoáng phục hồi, mức khai thác tương đương năm 2016, tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước có mức tăng trưởng mạnh, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ… thì dự báo tăng trưởng GDP quý II sẽ đạt 6,27%.
TS. Đặng Đức Anh cũng phân tích một số nét của kinh tế vĩ mô quý I/2017 như: kinh tế vĩ mô ổn định song tăng trưởng ở mức thấp, mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng. Đặc biệt, cơ cấu công nghiệp phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển…
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng 2 trụ cột là tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng trong quý I chưa thực hiện được nhiều và trong quý I/2017, ít doanh nghiệp lớn nào được cổ phần hóa.
Đối với dự báo kinh tế vĩ mô trong quý II, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh quốc tế. Theo đó, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, thương mại toàn cầu có mức tăng trưởng cao hơn; biến động của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới và diễn biến của thị trường tài chính quốc tế sau việc Fed tăng lãi suất.
Đối với bối cảnh trong nước, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định. Dự báo 51,2% doanh nghiệp quý II có đơn hàng cao hơn so với quý I và tăng 50% so với cùng kỳ năm 2016; đầu tư khu vực tư nhân và FDI khởi sắc hơn, khu vực nông, lâm thủy sản mặc dù đã phục hồi nhưng vẫn ẩn chứa nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn một số tiềm ẩn như: công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm; giải ngân vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Ngoài ra, sức ép lạm phát gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới, áp lực về tỷ giá và lãi suất do biến động tài chính quốc tế.
Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu GDP 2017. (Nguồn: BDT) |
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017, bà Nguyễn Thị Mai Thu, Giám đốc NCEIF đã đưa ra một số giải pháp như: tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần giám sát tiến độ thực thi các nhiệm vụ đưa ra trong Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chương trình hành động thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020.
Còn TS. Cấn Văn Lực dự báo, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao trong những tháng tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nguồn nguyên liệu tốt cho chế biến, đảm bảo hợp đồng xuất khẩu... Đây sẽ là nền tảng cho tăng trưởng của quý II và quý III.