Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang tác động đến nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Biến chủng Delta đã tác động đến chi tiêu tiêu dùng, làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và đe dọa lạm phát tăng cao. Cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang khó khăn.
Theo dự báo ngắn hạn của Bloomberg Economics, nền kinh tế Mỹ trong quý III/2021 sẽ tăng ở mức 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 6,6% trong quý II/2021.
Trong khi đó, tăng trưởng quý III/2021 của Trung Quốc được dự báo tăng ở mức 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức 7,9% trong quý II/2021.
Theo Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc không chỉ đối phó với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 mà còn chịu ảnh hưởng bởi những biện pháp mạnh tay của chính phủ đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Ngoài ra, chủ trương "thịnh vượng chung" cũng được coi là một đòn giáng đối với niềm tin kinh doanh của người dân tại đất nước hơn tỷ dân này.
Sự giảm tốc diễn ra nhanh hơn so với dự đoán trước đó của các nhà kinh tế khiến ngân hàng trung ương và chính phủ các nước phải đối mặt với thách thức kép: Sự phục hồi chậm chạp và áp lực tăng giá.
Nhà kinh tế Bjorn van Roye và Tom Orlik của Bloomberg cho biết: "Chúng tôi không hoảng loạn. Dữ liệu cho thấy sự phục hồi nhẹ chứ không phải đi xuống. Tuy nhiên, những dự báo mới nhất này như một lời nhắc nhở rằng virus vẫn là một biến số đáng kể, tiêu cực và khó dự đoán đối với triển vọng kinh tế".
Trong điều kiện bình thường, sự trì trệ của nền kinh tế có nghĩa là lạm phát vẫn ở mức thấp. Nhưng trong thời kỳ biến động do đại dịch thì điều đó không còn đúng.
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ dường như đã đạt đỉnh và đang bắt đầu giảm. Tuy nhiên, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh, mức lạm phát đang cao hơn mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, bức tranh lạm phát tại Trung Quốc có chút khác biệt. Dù giá hàng hóa tại các nhà máy cao ngất ngưởng nhưng người tiêu dùng vẫn chưa bị tác động.