Ngành nông nghiệp giảm 0,78% do gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm. (nguồn: baodautu.vn) |
Chiều 30/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng qua.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng qua đan xen cả thuận lợi lẫn khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, xuất khẩu tiếp tục tăng (5,9%), xuất siêu 1,54 tỷ USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%, bằng 32,9% GDP. Hơn 54.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 20% về số DN và 51,5% về vốn.
Tốc độ tăng GDP quý II/2016 ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,46% của quý I/2016, tuy nhiên thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47% .
Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,32%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 tăng thấp hơn cùng kỳ do nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm và thủy sản) giảm 0,78% do gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm, như rét hại và băng giá tại các tỉnh phía bắc; hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung làm giảm giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai là tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,48%). Trong khi, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tương đương của cùng kỳ năm trước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận, sức ép lạm phát ảnh hưởng đến điều hành vĩ mô, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đã tăng 2,35%, gấp gần 5 lần so với năm 2015, chủ yếu do tác động của các quyết định hành chính thông qua các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Sức ép tăng giá còn lớn do giá dầu thô dự báo tăng, giá lương thực tăng và việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết, nền kinh tế đã đi được nửa chặng đường của năm 2016, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã ban hành kịp thời 49 nghị định trên tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng văn bản, giải phóng sức sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ, Thủ tướng đã nêu hàng loạt vấn đề: Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Có phải do nông nghiệp gặp hạn hán, nhiễm mặn nặng nề ở Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ, làm mất đi 1,3 triệu tấn thóc và tăng trưởng âm trong nông nghiệp?
Giải ngân còn thấp, mới đạt 26% so với kế hoạch là do đâu? Thu ngân sách địa phương đạt khá nhưng thu ngân sách Trung ương đạt thấp, dẫn tới bội chi ngân sách, gây khó khăn trong điều hành tài chính ngân sách.
Vừa qua, Chính phủ đề ra một số chủ trương để sản xuất kinh doanh phát triển tốt hơn thì đến nay đã vào cuộc sống hay chưa? Các Nghị quyết 01, 19, 35 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đã thực sự được các cấp chính quyền quán triệt, triển khai đến đâu? Vấn đề khởi nghiệp trong toàn dân, nhất là trong lớp trẻ, đã được triển khai như thế nào?
“Chúng ta cần tự hỏi bộ máy của chúng ta đã phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp hay chưa?”, Thủ tướng nêu câu hỏi và tiếp tục lưu ý những kinh nghiệm, bài học nào trong công tác chỉ đạo, điều hành cần rút ra từ những vụ việc xảy ra gần đây.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung thảo luận về vấn đề kỷ cương, phép nước còn chưa nghiêm và các biện pháp chấn chỉnh như ban hành chỉ thị hay văn bản quy phạm pháp luật chấn chỉnh tình trạng này.
Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn, đề cập rõ nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, từ đó tăng cường đoàn kết, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra cho năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.