📞

Hai phu nhân Thủ tướng Việt Nam và Lào trải nghiệm làm nghệ nhân làng lụa đũi Nam Cao, Thái Bình

Nguyễn Hồng 17:15 | 06/01/2024
Phu nhân Thủ tướng Việt Nam, bà Lê Thị Bích Trân và Phu nhân Thủ tướng Lào, bà Vandara Siphandone đã đến thăm làng trẻ em SOS Thái Bình, tham quan làng lụa đũi Nam Cao (Thái Bình) và trải nghiệm làm nghệ nhân làng lụa.
Chiều 6/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, bà Lê Thị Bích Trân, phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Vandara Siphandone, phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tới thăm Làng trẻ em SOS tỉnh Thái Bình, tham quan làng đũi Nam Cao. Cùng đi với hai phu nhân có Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Bích Hằng.
Ngay khi hai phu nhân vừa đến Làng trẻ em SOS Thái Bình, rất đông các em nhỏ đã ùa ra chào và mong muốn được bắt tay và chụp ảnh cùng hai phu nhân.
Giới thiệu về Làng trẻ em SOS Thái Bình, Giám đốc Nguyễn Văn Tân cho biết, Làng được thành lập vào năm 2013, đã nuôi dạy được 218 con đang sinh sống, học tập tại làng và nuôi dưỡng ngoài cộng đồng là 320 con, trong đó có một số con đã đi học đại học và lập gia đình. Làng trẻ em SOS Thái Bình không chỉ là nơi mang lại cho các em tình yêu thương đặc biệt mà còn được tạo điều kiện đi học để có thể hòa nhập cuộc sống.
Trải qua những năm tháng chung sống cùng một mái nhà, với tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, họ trở thành người một nhà và coi nhau như ruột thịt. Các mẹ, các dì chính là người đã sưởi ấm những trái tim nhỏ bé, giúp các em có thêm sức mạnh để vươn lên trong cuộc sống.
Thăm một gia đình có một mẹ và 7 con trong Làng, hai phu nhân ân cần thăm hỏi, động viên mẹ và các con. Phu nhân hai Thủ tướng đánh giá cao sự tận tâm, tận lực, tình yêu thương của các mẹ dành cho các con, cũng như mong muốn các con sẽ luôn cố gắng phấn đấu trong học tập, trong cuộc sống. Đặc biệt, hai phu nhân mong rằng, các con sẽ luôn ghi nhớ tình yêu thương, sự chăm sóc của các mẹ, các dì và ban giám đốc Làng.
Tại Làng, hai phu nhân cũng đã tặng những phần quà ý nghĩa cho các em nhỏ. Hai phu nhân mong muốn các cán bộ, nhân viên của Làng tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh việc chăm sóc về vật chất, cần hết sức quan tâm việc quan tâm, chăm sóc về tinh thần.
Chuyến thăm của các phu nhân đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và là nguồn động viên quý báu để các mẹ, các dì, các cán bộ, nhân viên, giáo viên Làng Trẻ em SOS phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phu nhân Lê Thị Bích Trân và phu nhân Vandara Siphandone cũng đã tới tham quan làng lụa đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương).
Ngay từ đầu làng, những người dân làm nghề lụa, những trẻ em trong làng và cả người dân đã tập trung rất đông để chào đón hai phu nhân cùng đoàn.
Hai phu nhân đã nghe giới thiệu về làng nghệ lụa đũi Nam Cao. Theo giới thiệu tại làng nghề, cuối thế kỷ XVI, có người họ Nguyễn Xuân về quê cũ Bất Bạt - Sơn Tây học nghề canh cửi. Sau trở lại dạy con cháu trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ... Từ đó, dệt đũi trở thành nghề truyền thống ở làng Cao Bạt, xã Nam Cao. Đầu thế kỉ XX, xã hội An Nam nhiều cách tân, giao thương phát triển, nghề trong làng mở rộng. Nam Cao thêm nghề dệt tuýt xo.
Sau 1954, nghề làng phát triển thành Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Nam Cao. Qua bao thăng trầm lịch sử, tới nay nghề làng đã có nhiều thành tựu giá trị cao về kinh tế, văn hoá. Hợp tác xã Đũi Nam Cao giờ có hơn 200 nghệ nhân, 1000 ha vùng nguyên liệu, doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà vẫn giữ được bản sắc một làng nghề truyền qua 5 thế kỷ.
Sau khi nghe giới thiệu về nghề làm lụa của làng lụa đũi Nam Cao, đi qua những con ngõ nhỏ, đầy rêu phong của ngôi làng, hai phu nhân đã đến thăm ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 tuổi, nghe hát chèo, thưởng thức bánh cáy và đặc biệt, trải nghiệm làm nghệ nhân làm lụa đũi.

Ngôi nhà cổ 5 gian điển hình vẫn hiên ngang vững vàng dù trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước và đây cũng là nơi chứng kiến những biến cố thăng trầm của làng nghề lụa đũi Nam Cao. Tại đây, hai phu nhân đã lắng nghe giới thiệu về quy trình làm lụa đũi Nam Cao và trải nghiệm tham gia quy trình sản xuất ra một sản phẩm lụa đũi.

Trong không gian rộn ràng tiếng hát, tiếng cười và tiếng kéo sợi, quay tơ, đánh trống, cùng sự hướng dẫn của các nghệ nhân, có người năm nay đã 95 tuổi, hai phu nhân đã “hoá thân” trở thành những nghệ nhân làng lụa đũi Nam Cao khi cùng nhau kéo sợi, quay tơ đánh ống kéo đũi…
Thăm làng lụa đũi Nam Cao, hai phu nhân đã đến thăm một số hộ gia đình làm nghề lụa đũi truyền thống, thăm Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao.
Chuyến thăm của hai phu nhân đã tiếp thêm động lực cho các nghệ nhân làng nghề ngày càng tiếp tục phát triển và đưa lụa đũi Nam Cao ra với thế giới.