Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernández (phải) và người đồng cấp Nicaragua Daniel Ortega công bố hiệp ước phân định ranh giới trên biển ngày 27/10. (Nguồn: Canal2tv) |
Tại lễ ký kết được truyền hình trực tiếp từ thủ đô Managua của Nicaragua, hai nhà lãnh đạo khẳng định sự kiện này là một "bước tiến lịch sử" nhằm xây dựng một tuyến hàng hải hòa bình, thịnh vượng cho cả hai dân tộc.
Theo Hiệp ước này, Nicaragua và Honduras thừa nhận và tuân thủ ranh giới trên biển do Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xác định trong phán quyết ngày 8/10/2007.
Đối với Vịnh Fonseca, hai nước nhất trí phân định lãnh hải dựa trên phán quyết ngày 11/9/1992 của ICJ, trong đó "thừa nhận sự tồn tại của ba bên trên vùng biển này".
Đồng thời, hai bên cũng khẳng định "tiếp tục công nhận Vịnh Fonseca và vùng nước bên trong, cho đến đường đóng cửa vịnh là một vịnh lịch sử, cũng như công nhận quyền sử dụng và đi lại của các quốc gia ven biển".
Bên cạnh đó, hai nước cũng kêu gọi chính phủ El Salvador tham gia vào nỗ lực này, vì quốc gia này "có nghĩa vụ phải đồng thuận thì mới có thể phân định".
Hiệp định mới cần phải được Quốc hội Nicaragua và Honduras phê chuẩn và sẽ có hiệu lực vào ngày trao đổi các văn kiện phê chuẩn, cũng như sau khi đăng ký hợp lệ lên Ban Thư ký Liên hợp quốc.
Với diện tích 3.200 km2, Vịnh Fonseca là tâm điểm của các tranh chấp lãnh thổ giữa Honduras, El Salvador và Nicaragua.
Khác với Nicaragua có 352 km đường bờ biển tiếp giáp với Thái Bình Dương, hay El Salvador với 307 km, Vịnh Fonseca là lối dẫn duy nhất ra đại dương của Honduras.
Năm 1992, ICJ đã ra phán quyết trao cho Nicaragua và Honduras chủ quyền tuyệt đối trong khu vực cách đường bờ biển của mỗi quốc gia 3 hải lý, song đồng thời cũng trao quyền quản lý vùng biển còn lại cho 3 nước ven biển.