Ảnh minh họa |
Hội chợ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2010 sẽ khai mạc vào 19h ngày 16/11/2010 và kết thúc ngày 22/11/2010, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo).Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐQT Vinatex, "VIFF 2010 có quy mô lớn, thể hiện toàn diện hình ảnh dệt may Việt Nam thông qua chuỗi giá trị toàn ngành". Nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia, VIFF 2010 đã thu hút được sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp dệt may hàng đầu trong nước và quốc tế, nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm Việt Nam trên thị trường nội địa, đồng thời tìm kiếm các nhà nhập khẩu. Khoảng 350 gian hàng sẽ trưng bày các sản phẩm thời trang dệt may, hàng dệt dùng trong gia đình, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép các loại, trang sức, phụ kiện thời trang trên diện tích 7.000 m2.
Từ 10-12/11 vừa qua, Vinatex cũng phối hợp với Công ty CP Exhibition (Hongkong) tổ chức Triển lãm quốc tế về thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may lần thứ 20. Trên tổng diện tích hơn 4.000m2, hơn 111 công ty từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham dự giới thiệu các sản phẩm về thiết bị, công nghệ và dịch vụ mới nhất. Theo ông Lê Tiến Trường - Phó TGĐ Vinatex, mục đích của triển lãm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội tìm hiểu và đầu tư các chủng loại thiết bị hiện đại được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến. Đồng thời, Triển lãm cũng sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hoá và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế…
Theo số liệu thống kê, dệt may hiện đang đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 9,166 tỷ USD bằng cả năm 2009. Cùng với những đơn hàng đã ký kết thì kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của ngành sẽ đạt 11 tỷ USD, vượt 500 triệu USD so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may vẫn đang duy trì ở mức cao, hầu hết các thị trường chủ lực đều có mức tăng trưởng từ 5-20%. Mục tiêu của ngành dệt may đến năm 2015, là đạt kim ngạch xuất khẩu trên 19 tỷ USD và năm 2020 từ 25-27 tỷ USD.
Phong Nhi