Bush cha và chiến tranh vùng Vịnh
Đó là buổi tối ngày 1/8/1990 ở Washington. Cách gần nửa vòng trái đất, các lực lượng Iraq đang tiến quân vào Kuwait. Cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft và tôi vội vàng sắp xếp một cuộc gặp liên cơ quan. Chúng tôi không biết những ý định thực sự của Iraq – nhưng chúng tôi biết chúng tôi phải hành động nhanh chóng.
Lúc này, mọi thứ đều phải ứng biến vì tình huống này chưa có tiền lệ. Một thỏa thuận đã đạt được nhằm đóng băng các tài sản của Iraq cũng như của Kuwait ở Mỹ (Tổng thống đã bị cố vấn Brent đánh thức vào nửa đêm để ký các giấy tờ cần thiết). Chúng tôi cũng quyết định đệ trình lên LHQ để có một giải pháp của Hội đồng Bảo an kêu gọi Iraq rút quân. Thực tế là Liên Xô và Trung Quốc đứng về phía chúng tôi là một dấu hiệu tốt. Rồi người Liên Xô tiến xa hơn một bước nữa khi tham gia vào một tuyên bố chung ủng hộ nghị quyết của LHQ. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ đối với Saddam.
Cuộc họp chính thức đầu tiên về cuộc khủng hoảng được tổ chức vào sáng 2/8. Tổng thống George H.W. Bush chủ tọa. Nhiều người phát biểu về ý định của Iraq và các lựa chọn quân sự và ngoại giao của Mỹ. Những gì khiến tôi lo lắng (và tôi sớm biết rằng Brent và Tổng thống cũng vậy) cũng là tâm trạng của những người trong phòng họp. Họ dường như cho rằng chúng ta không nên tham gia sự kiện đó và nên tập trung vào việc đảm bảo Saddam không đi xa hơn nữa.
Cuộc họp thứ hai của Hội đồng an ninh quốc gia diễn ra ngày thứ Sáu, 3/8, cũng không thu được kết quả khá hơn. Tổng thống muốn tìm kiếm một sự khác biệt. Brent phát biểu lời kêu gọi đảo chiều cuộc xâm chiếm của Iraq. Thứ trưởng Ngoại giao Larry Eagleburger ủng hộ Brent, nhấn mạnh không chỉ cách chúng ta đáp trả sẽ định hình một kỷ nguyên mà còn không cho phép Saddam tiến xa hơn tới Saudi Arabia, thao túng OPEC và Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney cũng đồng tình với Larry. Dù không có quyết định nào được đưa ra nhưng đường hướng tương lai trong chính sách của Mỹ đã được định hình.
Điều chính yếu để hiểu George Herbert Walker Bush và sự gây ấn tượng của ông chính là ở vẻ đúng mực. Có một điều hiển nhiên là Mỹ sẽ quyết định triển khai nửa triệu quân để giải cứu cho một đất nước mà rất ít người Mỹ có thể nhìn thấy trên bản đồ thế giới. Một Tống thống khác và một đội ngũ cố vấn khác có thể bỏ qua việc Iraq kiểm soát Kuwait và rút bớt các lệnh cấm vận, miễn là Saddam không tiếp tục tấn công Saudi Arabia. Nhưng Bush đã tức giận một cách thành thật về cuộc xâm lược của Iraq và rồi dồn sự chú ý đến Kuwait. Đó đơn giản không phải là cách các nước văn minh cư xử như thế nào đối với nước khác. Điều đó đánh dấu sự quay lại của một kỷ nguyên thô bạo trong khi xử lý các vấn đề quan hệ quốc tế.
Bush con và chiến tranh Iraq
Hơn một thập kỷ sau, tôi làm việc cho Tổng thống George W. Bush với tư cách là Giám đốc Bộ phận Kế hoạch và Chính sách của Bộ ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Colin Powell. Một lần nữa tôi nhận thấy mình dính líu đến một cuộc chiến tranh với Tổng thống Bush và Iraq của Saddam Hussein. Tuy nhiên, sự tương đồng không còn nữa.
Từ những gì tôi nhìn và nghe thấy, tôi thấy các quyết định của George W. Bush không phải, như một số người hay gièm pha, là kết quả của việc thiếu các tin tức tình báo hay không phải bởi vì ông bị Phó Tổng thống và những người khác thao túng. Bush thông minh hơn, hơn rất nhiều so với nhiều người nghĩ. Lỗi của ông chính là ở việc ông nhanh chóng đưa ra kết luận (cả về chính sách và con người) và thường nhìn nhận sự thay đổi như là một dấu hiệu của sự yếu kém.
Đầu năm 2003, vấn đề Iraq nổi trội, tôi quyết định đưa ra một nỗ lực cuối cùng nhằm trì hoãn chiến tranh. Tôi viết một bản đệ trình tới Powell tranh cãi không quá muộn để từ bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự. Tôi biết những gì tôi nói ra sẽ bùng nổ một cuộc tranh cãi nếu nó bị lộ ra. Tôi đã trao tận tay cho Powell chứ không gửi qua đường công văn chính thức. Tôi nói với Powell hãy đưa cho Tổng thống với hy vọng Tổng thống sẽ suy nghĩ lại. Powell đọc qua và bỏ vào túi. Tôi không hy vọng ông ta sẽ trao cho Tổng thống nhưng có thể sẽ lưu tâm tới ý kiến của tôi. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Trái với Tổng thống Bush cha, tôi tiếp xúc Tổng thống Bush con không nhiều. Cuộc đối thoại dài nhất của chúng tôi là ở một cuộc họp trên chuyên cơ Air Force One vào tháng 4/2003. Chúng tôi: Tổng thống Bush, Powell và tôi ngồi với nhau trong hơn 1 tiếng đồng hồ. Điều gây ấn tượng tôi nhất chính là sự thoải mái của Bush với quyết định tấn công Iraq. Chúng tôi ngồi đây, 3 tuần kể từ khi chiến tranh nổ ra. Bush xuất hiện với tâm thế hài lòng với những gì ông đã quyết định và những gì đang diễn ra. Đó là một sự tự tin thật sự.
Làm thế nào để Bush có được tư thế này? Tôi sẽ không bao giờ hiểu được đầy đủ tại sao. Vấn đề Iraq đã nằm trên bàn của chính quyền Bush từ khi mới nhậm chức. Nhưng trước 11/9, Iraq đơn giản chỉ là một trong nhiều vấn đề đáng quan tâm trong chính sách đối ngoại. Sau 11/9, Tổng thống và những người thân cận gửi cho thế giới một thông điệp rằng Mỹ đang sẵn sàng và có khả năng hành động dứt khoát. Giải phóng Afghanistan chỉ là một sự khởi đầu.
Iraq khác biệt hoàn toàn. Tổng thống muốn thay đổi lịch sử, chuyển đổi không chỉ một đất nước mà là một khu vực, nơi ẩn náu của phần lớn những tên khủng bố của thế giới. Có lẽ Bush đã tìm kiếm sự hoàn thiện cho những điều mà cha ông chưa làm được.
Liệu có cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai nếu không có sự kiện 11/9? Khó có thể trả lời câu hỏi này. Trước sự kiện 11/9, có một vài hoạt động mang tính hành chính về Iraq, nhưng có rất ít chứng cứ có ý nghĩa. Sự kiện 11/9 đã biến chính quyền thành một cái búa tìm kiếm cái đinh. Iraq đã trở thành cái đinh đó.
Thảo Vân(theo Newsweek)