Thủ tướng Haiti Ariel Henry đang mắc kẹt ở nước ngoài giữa lúc tình hình trong nước khủng hoảng nghiêm trọng. |
Tờ Le Nouvelliste (Ngày mới) của Haiti đưa tin Thủ tướng Henry dự định hạ cánh xuống CH Dominica ngày 5/3 và sau đó trở về nước bằng trực thăng nhưng kế hoạch không thực hiện được do không phận giữa hai nước đã bị đóng.
Giám đốc điều hành Viện Hàng không Dân dụng Dominica (IDAC) Héctor Porcella cho biết, nước này từ chối cho phép máy bay của ông Henry hạ cánh do “không có kế hoạch bay”.
Một nguồn tin khác cho hay, máy bay của ông Henry cất cánh từ sân bay Teterboro ở New Jersey (Mỹ) và đã phải bay vòng quanh trên không phận CH Dominica hơn 30 phút mà không được hạ cánh.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng CH Dominica Carlos Luciano Díaz Morfa tuyên bố đã triển khai lực lượng tại biên giới với Haiti để sẵn sàng ngăn chặn và ứng phó bất kỳ sự cố nào
Người phát ngôn Sheila Angleró Mojica của thống đốc Puerto Rico xác nhận với Đài phát thanh công cộng NPR rằng Thủ tướng Haiti đã hạ cánh xuống San Juan, thủ phủ của vùng lãnh thổ thuộc Mỹ này, vào thứ Ba.
Ông Henry đang mắc kẹt ở nước ngoài trong bối cảnh tình hình an ninh trong nước lâm vào khủng hoảng, khi các nhóm tội phạm hoành hành xả súng bừa bãi, nhất là ở khu vực sân bay tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti.
Mục đích của các băng nhóm này là muốn lật đổ chính phủ, ngăn cản ông Henry về nước và yêu cầu ông từ chức. Đêm 2/3, các băng nhóm tội phạm tấn công Nhà tù quốc gia ở Port-au-Prince và hơn 3.500 tội phạm đã trốn thoát, gây nên nguy cơ khôn lường với an ninh quốc gia Caribbean.
Ngay lập tức Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như áp đặt lệnh giới nghiêm. Nhiều nước đóng cửa Đại sứ quán và ra khuyến cáo công dân, trong khi các nước láng giềng như CH Dominia và Bahamas tăng cường cảnh giác ở biên giới.
Trong một diễn biến liên quan, những người đứng đầu các chính phủ thành viên của Cộng đồng Caribbean (CARICOM) đã quyết định hoãn cuộc gặp các nhà hoạt động chính trị của Haiti, vốn dự kiến diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/3.
Thủ tướng Bahamas Phillip Davis cho biết trong các buổi tiếp xúc trước đó, đặc biệt là những cuộc đối thoại với cá nhân Thủ tướng Haiti Ariel Henry, CARICOM đã đạt được một số bước tiến quan trọng để thúc đẩy tiến trình chính trị ở quốc gia đang ngập chìm trong bất ổn này.
CARICOM đã nhất trí thành lập nhóm chuyên trách nhằm đánh giá nhu cầu và bộ máy bầu cử của Haiti, trong đó có sự tham gia của Liên hợp quốc và Canada cùng các chủ thể chính trị khác.
Thủ tướng Bahamas kêu gọi giới lãnh đạo Haiti cùng ngồi lại và đưa ra những nhượng bộ cần thiết để đạt được giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.