Theo Bộ Y tế Haiti, từ đầu năm 2017 tới nay đã ghi nhận khoảng 7.400 ca nghi mắc dịch tả tại nước này, ít hơn rất nhiều so với 20.200 ca cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm 2015, con số ca mắc dịch tả cũng đã lên tới hơn 18.600.
Đợt dịch tả nghiêm trọng trên đã khiến hơn 9.300 người tử vong và hơn 800.000 người bị nhiễm kể từ lúc bùng phát vào năm 2010, sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được cử đến Haiti để trợ giúp nước này khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Kết quả điều tra sau đó cho thấy các binh lính người Nepal tham gia lực lượng này đã vô tình mang bệnh tả đến Haiti.
Nạn nhân mắc bệnh tả điều trị tại bệnh viện Saint Antoine ở Jeremi, Haiti. (Nguồn: EPA) |
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Haiti Marc Vincent cho biết, kết quả trên có được là nhờ chương trình cung cấp cho người dân các thiết bị lọc nước, nỗ lực tìm và triệt tiêu các nguồn gây bệnh mới cũng như đợt tiêm vaccine phòng chống dịch tả cho hơn 800.000 người triển khai từ tháng 11 vừa qua.
Tuy nhiên, Haiti vẫn đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch tả cao do việc chậm triển khai các nguồn hỗ trợ tài chính phòng chống dịch tả đã cản trở Haiti cải thiện hệ thống xử lý nước thải và nguồn cung cấp nước sạch.
Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức y tế Pan-American cho biết, có khoảng 40% dân số Haiti không được tiếp cận nước sạch hàng ngày trong khi chưa tới 1/4 dân số được sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo.
Năm 2016, lần đầu tiên Liên hợp quốc thừa nhận trách nhiệm gây ra dịch tả tại Haiti và Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó là ông Ban Ki-moon đã buộc phải xin lỗi người dân nước này do để bùng phát dịch bệnh.