📞

Hội nghị tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành năm 2021

Hải Diễm 18:07 | 14/04/2022
Ngày 14/4 tại Hải Phòng, đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành năm 2021 và định hướng công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022.

Hội nghị do Thanh tra Bộ Ngoại giao tổ chức với sự tham dự của các đại biểu đến từ gần 40 cơ quan ngoại vụ trên toàn quốc.

Hội nghị là hoạt động thường niên, đã được triển khai từ năm 2015, cũng là dịp để Thanh tra Bộ và các Sở Ngoại vụ cùng rà soát, đánh giá những việc đã làm tốt và những vấn đề còn tồn tại; cùng nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường kết nối, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Thanh tra Bộ và các Cơ quan ngoại vụ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội nghị.

Chủ động trong công tác thanh tra

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Hà cho biết, Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Năm 2021 là năm đầu tiên các cấp, các ngành và địa phương tập trung triển khai Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến việc triển khai chương trình, kế hoạch công tác đối ngoại nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ngoại giao nói riêng.

Cũng trong tình hình đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị ưu tiên công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Bối cảnh đặc thù này đã và đang đặt ra yêu cầu phải lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt sáng tạo, chủ động thích ứng, trong công tác đối ngoại cũng như trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Phó Chánh Thanh tra Bộ khẳng định, trong năm 2021, khi xây dựng Kế hoạch thanh tra, Thanh tra Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động tính toán phương án điều chỉnh tạm hoãn hoặc dừng các hoạt động thanh tra khi không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thực hiện hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, để các địa phương ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ trưởng chuyển Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2021 sang năm 2022.

Về phía các Cơ quan ngoại vụ địa phương, dựa trên số liệu báo cáo của 34 Sở Ngoại vụ, hiện 12/34 (35%) Sở có bộ phận thanh tra với 21 cán bộ, đa số đã được cử tham dự các chương trình đào tạo do Trường Cán bộ thanh tra tổ chức, 22/34 (65%) Sở thực hiện theo mô hình kiêm nhiệm. Trong năm 2021, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện tại 16/39 Sở Ngoại vụ, đạt tỷ lệ 41%, tăng 12% so với năm 2020.

Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2021 là 71, tăng 65% so với 43 cuộc trong năm 2020. Nội dung thanh tra, kiểm tra đã bám sát định hướng của Thanh tra Bộ và có sự điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc yêu cầu thực tiễn công tác đối ngoại tại từng địa phương.

Với những số liệu tích cực như trên, có thể thấy công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được triển khai liên tục và ngày càng bài bản. Tuy nhiên, tại một số Sở Ngoại vụ, công tác này còn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong đó một phần nguyên nhân là do lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tại các Sở Ngoại vụ còn mỏng, một số địa phương chỉ cử cán bộ kiêm nhiệm, do đó chưa phát huy hết vai trò cần có trong công tác tham mưu. Tại nhiều địa phương, việc triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các phòng, ban thuộc Sở và các Sở, ban ngành khác, do đó chưa có đủ điều kiện để triển khai một cách hoàn toàn chủ động và độc lập.

Tại Hội nghị, các Sở Ngoại vụ đã chia sẻ, đóng góp ý kiến về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ngoại giao, tiến hành tổng hợp các ưu điểm, hạn chế sau các cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm. Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị chưa thanh tra, kiểm tra cũng kịp thời nghiên cứu, áp dụng để hạn chế thấp nhất những lúng túng trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại tại địa phương mình.

Trong công tác thanh tra, Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch và phương pháp tiến hành thanh tra chuyên ngành trong bối cảnh đại dịch Covid-19, qua đó thể hiện sự chủ động và linh hoạt thích ứng của Sở trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Trong công tác kiểm tra, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai và Long An đã đóng góp ý kiến, đưa ra những gợi ý về phương pháp tiến hành kiểm tra liên ngành hoặc kiểm tra độc lập, qua đó phát huy vai trò rõ nét hơn của các cơ quan ngoại vụ trong bối cảnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động đối ngoại tại địa phương nhưng không thể bố trí thành lập riêng bộ phận Thanh tra Sở.

Quyền Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh phát biểu kết luận Hội nghị.

Định hướng trong năm 2022

Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Ánh cho biết, các Sở đã có nhiều nỗ lực để chủ động thích ứng, khắc phục những khó khăn mang tính khách quan, phát huy nội lực, linh hoạt “mượn lực” để công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành triển khai đúng hướng, bám sát kế hoạch, cách thức tiến hành ngày càng bài bản, hiệu quả quản lý ngày càng nâng cao.

Để khắc phục được những khó khăn, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ngoại giao, đồng thời nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối ngoại tại địa phương, trong năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cần tập trung vào một số nội dung như sau:

Đối với Thanh tra Bộ, cần phải (i) triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành ngoại giao năm 2022 đối với 5 địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Ninh Thuận và Bình Thuận; (ii) hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định đối với “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự”; (iii) iếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở Ngoại vụ, các Văn phòng UBND (tại các tỉnh không thành lập Sở Ngoại vụ), đặc biệt trong việc định hướng công tác và hướng dẫn nghiệp vụ.

Đối với các Cơ quan ngoại vụ: (i) quan tâm công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; (ii) chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý của địa phương và thực lực của Cơ quan ngoại vụ; (iii) tiếp tục chuẩn hóa công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng bộ hồ sơ nguyên tắc phục vụ công tác; (iv) tiếp tục tham mưu bổ sung, hoàn thiện thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể của địa phương trên các lĩnh vực đối ngoại để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, kiểm tra; (v) Chú trọng đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức và cá nhân.

Quyền Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao bày tỏ hy vọng Hội nghị lần này sẽ giúp chia sẻ, lan tỏa những kinh nghiệm hữu ích và cần thiết cho các Cơ quan ngoại vụ để triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.