📞

Hamas tán thành sáng kiến tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội ở Palestine

07:15 | 27/09/2019
TGVN. Ngày 26/9, Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tuyên bố, phong trào Hồi giáo này đã chấp nhận sáng kiến của 8 phe phái Palestine về tổ chức bầu cử Quốc hội vào giữa năm 2020.
Thủ lĩnh các phe phái ở Dải Gaza vừa nhóm họp. (Nguồn: MEM)

Trao đổi với báo giới sau cuộc họp với những người đứng đầu các phe phái ở Dải Gaza, Thủ lĩnh Haniyeh khẳng định: "Hamas chấp nhận sáng kiến có trách nhiệm và trung thành của các phe phái mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết hay sửa đổi nào".

Đầu tuần này, sáng kiến tổ chức bầu cử Quốc hội vào giữa năm 2020 đã được trình lên phong trào Hamas và phong trào Fatah của Tổng thống Palestinie Mahmoud Abbas, nhưng Fatah đã từ chối tham gia. Sáng kiến nhằm xem xét tất cả các thỏa thuận hòa giải và thỏa thuận đã được các phe phái ký trước đây như là tài liệu tham khảo, nhằm chấm dứt sự chia rẽ nội bộ của Palestine và tìm kiếm sự thống nhất.

Các phe phái kêu gọi tổ chức một cuộc họp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vào tháng 10/2019 tại Cairo và sự tham dự của Tổng thống Abbas tại đây.

Cùng ngày, Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Abbas đã cảnh báo, nếu Israel thúc đẩy kế hoạch mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông báo về việc sáp nhập một phần chiến lược ở khu Bờ Tây, "tất cả các thỏa thuận đã ký kết với chính phủ chiếm đóng Israel và bất kể cam kết nào trong các thỏa thuận đó sẽ bị hủy bỏ".

Ông Abbas cũng cảnh báo, Palestine có quyền bảo vệ các quyền lợi của mình bằng mọi biện pháp có thể, bất kể hậu quả, trong khi duy trì việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chống chủ nghĩa khủng bố.

Vào đầu thập niên 1990, dưới sự bảo trợ của Mỹ, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do cố Tổng thống Yasser Arafat lãnh đạo đã ký các thỏa thuận hòa bình.

Thủ tướng Netanyahu, người đang tìm cách thành lập một chính phủ mới sau bầu cử, đã cam kết áp đặt chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan và phía bắc Biển Chết, chiếm khoảng 1/3 diện tích khu Bờ Tây. Cam kết này đã nhận nhiều chỉ trích, bao gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, người cảnh báo hành động này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế

(theo MEM)