📞

Hàn Quốc không tin Triều Tiên có vũ khí hạt nhân dưới nước, Bình Nhưỡng vì mình thanh minh

Bảo Minh 10:47 | 22/01/2024
Yonhap đưa tin, ngày 21/1, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã đưa ra nhận định về vụ thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước mới nhất của Triều Tiên.
Hình ảnh về một vụ thử nghiệm Haeil-5-23 của Triều Tiên được KCNA công bố hồi năm 2023. (Nguồn:KCNA)

Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc: "Nếu được thử nghiệm, thiết bị đó được cho là một loại ngư lôi, có khả năng rất nhỏ nó là hệ thống vũ khí hạt nhân".

Văn phòng trên nhận định, "không có chuyện phát triển một lò phản ứng nhỏ có thể lắp vào ngư lôi có đường kính dưới 1 mét".

Thông cáo cũng cho hay, quân đội Hàn Quốc phối hợp với Mỹ đã và đang theo dõi các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên phát triển hệ thống vũ khí dưới nước, bao gồm thiết bị không người lái tấn công hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, bằng cách sử dụng nghiệp vụ tình báo và khí tài giám sát.

Ngày 19/1, Triều Tiên thông báo đã tiến hành một cuộc thử nghiệm quan trọng thiết bị không người lái tấn công hạt nhân dưới nước, có tên Haeil-5-23, ở vùng biển phía Đông nước này để đáp trả cuộc tập trận hải quân chung mới nhất giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Vụ thử vấp phải phản đối của Mỹ, Hàn Quốc và đồng minh, trong bối cảnh chỉ trước đó vài ngày, Triều Tiên cũng tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa siêu thanh sử dụng nhiên liệu rắn.

Ngày 22/1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tại hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) ở Uganda, Bình Nhưỡng đã bảo vệ các biện pháp tăng cường năng lực quân sự của mình.

Thứ trưởng Ngoại giao kiêm trưởng phái đoàn Triều Tiên tại hội nghị NAM Kim Son-kyong cho biết, Bình Nhưỡng đang tăng cường khả năng phòng thủ để đối phó với "các động thái quân sự nguy hiểm" của Washington và các đồng minh và đây là hành động chính đáng về quyền chủ quyền của đất nước.

Theo KCNA, tại hội nghị NAM, ông Kim Son-kyong nêu rõ: “Hiện tượng các quyền độc lập, cuộc sống và sự phát triển của một quốc gia có chủ quyền đang bị đe dọa nghiêm trọng rõ ràng là tập trung vào bán đảo Triều Tiên".

Khẳng định cuộc đấu tranh của Triều Tiên để bảo vệ quyền chủ quyền hoàn toàn phù hợp với hệ tư tưởng của NAM, nhà ngoại giao cũng tuyên bố, Bình Nhưỡng phản đối mọi hình thức xâm phạm quyền chủ quyền của một quốc gia và can thiệp vào công việc nội bộ.