Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Viễn Đông Nga, hồi tháng 9/2023. (Nguồn: AFP) |
Yonhap cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về cáo buộc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ xung đột ở Ukraine, mặc dù cả Moscow và Bình Nhưỡng đều bác bỏ.
Trả lời báo giới, ông Shin Won-sik cảnh báo: "Trong khi các nhà máy sản xuất vũ khí nói chung của Triều Tiên hoạt động ở mức 30% công suất do thiếu nguyên liệu thô và điện, một số nhà máy đang hoạt động hết công suất, chủ yếu sản xuất khí tài và đạn pháo cho Nga".
Theo quan chức Hàn Quốc, Bình Nhưỡng ước tính đã vận chuyển khoảng 6.700 container sang Moscow kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9/2023. Số lượng này đủ để chứa khoảng 3 triệu viên đạn pháo 152 mm hoặc 500.000 viên đạn pháo 122 mm.
Đổi lại, Triều Tiên dường như đang nhận được thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, cũng như nguyên liệu thô và các bộ phận được sử dụng trong sản xuất vũ khí.
Liên quan tình hình bán đảo Triều Tiên, ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, Thứ trưởng Ngoại giao thứ hai Kang In-sun hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa và chấm dứt các chương trình hạt nhân-tên lửa.
Phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), bà Kang In-sun nói rằng, các chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên là "nhiệm vụ cấp bách nhất" cần giải quyết vì hòa bình và an ninh quốc tế.
Bà cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 "bất cứ khi nào họ muốn".
.