Hàn Quốc công bố sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu KF-21. |
Tờ SCMP cho biết tuần trước, có thông báo rằng KF-21 Boramae - máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 đã được Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) của Seoul phê duyệt cho kế hoạch sản xuất hàng loạt lên tới 40 chiếc, sẽ được chế tạo từ năm 2024 đến năm 2028.
Tờ báo này cũng đưa ý kiến chuyên gia cho rằng tin tức này có thể gây khó chịu cho Trung Quốc do các yếu tố như năng lực tiên tiến của máy bay phản lực, khả năng nâng cao năng lực không quân của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực của Trung Quốc cũng như vị thế của nước này là đối thủ của Trung Quốc trong thương mại xuất khẩu vũ khí.
Mẫu máy bay KF-21 cũng sẽ được nâng cấp thành máy bay chiến đấu thế hệ 5,5. Hiện tại, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc sản xuất được máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trong nước.
DAPA có kế hoạch ký hợp đồng 20 đơn vị KF-21 đầu tiên trong năm nay, trong khi 20 đơn vị còn lại sẽ được ký hợp đồng vào tháng 2 năm sau sau khi hoàn thành các cuộc kiểm tra xác minh hiệu suất vào tháng 6, bao gồm khả năng kết nối của máy bay phản lực với tên lửa không đối không và khả năng của radar quét mảng điện tử chủ động (AESA).
DAPA nhấn mạnh việc đảm bảo các máy bay chiến đấu đáp ứng “khái niệm hoạt động trên chiến trường trong tương lai” là điều cần thiết sau khi các máy bay chiến đấu cũ đang hoạt động ngừng hoạt động. “Dự án sẽ góp phần tăng cường sức mạnh căn bản của lực lượng không quân bằng cách ngăn chặn khoảng trống quyền lực do máy bay chiến đấu hoạt động lâu dài, đã cũ và đảm bảo máy bay Hàn Quốc có khả năng thực hiện các hoạt động hợp tác với máy bay chiến đấu tiên tiến”, DAPA cho biết.
Được phát triển bởi Korea Aerospace Industries (KAI) và đồng sản xuất với Indonesia, KF-21 là máy bay chiến đấu tự chế tạo hoàn toàn đầu tiên của Hàn Quốc. Dự án máy bay chiến đấu siêu âm bắt đầu vào năm 2015 để thay thế phi đội máy bay phản lực F-4 và F-5 đã cũ của lực lượng không quân. Nguyên mẫu KF-21 sau đó được tiết lộ vào năm 2021.
Không quân Hàn Quốc dự kiến sẽ nhận được chiếc KF-21 đầu tiên, được đặt tên là Block-1, vào nửa cuối năm 2026. Seoul cũng đang đặt mục tiêu phát triển KF-21 Block-2 với khả năng tấn công không đối đất được nâng cấp vào năm 2028, sản xuất và triển khai tổng cộng 120 chiếc vào năm 2032.
Trong khi KF-21 hiện có khả năng tàng hình hạn chế, KAI được cho là có kế hoạch phát triển Block-3 vào đầu những năm 2030, nâng cấp máy bay này thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hoặc thậm chí thế hệ 5,5 với khả năng tàng hình cao hơn và khoang vũ khí bên trong.
Yang Uk, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, cho biết: “KF-21 là máy bay chiến đấu có khả năng ứng phó với nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, dựa trên khả năng hoạt động mạng độc đáo của nó”.
“Mặc dù được biết đến là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5, nó thực sự là mẫu thiết kế thế hệ thứ năm và sẽ đóng vai trò tích cực như một hệ số nhân lực vì nó sẽ nhấn mạnh không chỉ khả năng tàng hình mà còn cả khả năng kết nối mạng có thể thực hiện AI-MUMT [trí tuệ nhân tạo có người lái-không người lái] hoạt động với nhiều hệ thống vũ khí tự động khác nhau”, ông Yang Uk nói.
Trung Quốc đã trình diễn FC-31 trong Triển lãm Quốc phòng Thế giới ở Riyadh vào tháng 2/2024. |
Phản ứng từ Trung Quốc
Bruce Bennett, nhà nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức tư vấn Rand Corporation có trụ sở tại Mỹ, cho biết có khả năng Trung Quốc sẽ không hài lòng với việc bổ sung KF-21 vào phi đội F-35 của Seoul.
Harry Boneham, nhà phân tích cấp cao của công ty tình báo quân sự toàn cầu Janes, "việc cung cấp máy bay này cho Lực lượng Không quân Hàn Quốc chắc chắn sẽ nâng cao tiềm năng chiến đấu trên không của lực lượng này”. “Sự hiện diện của một lực lượng không quân có năng lực hơn ở một đối thủ gần đó có thể là một yếu tố mà [Bắc Kinh] sẽ xem xét”.
Yoon Suk-joon, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Quân sự Hàn Quốc và chuyên gia về hệ thống vũ khí của Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm này, cho biết KF-21 sẽ “thể hiện ưu thế trên không so với J-10, J-11 và J-16”.
Máy bay phản lực của Hàn Quốc được cho là có những đặc điểm tương tự như FC-31 của Trung Quốc - máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hoạt động trên tàu sân bay của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương hiện đang được phát triển.
Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại Rand Corporation, cho biết: “Hai chiếc máy bay này sẽ vượt trội hơn so với các máy bay thế hệ thứ tư như F-16, với hệ thống điện tử hàng không vượt trội, khả năng tàng hình và sức mạnh. Ở nhiều khía cạnh khác, hai chiếc máy bay có chung đặc điểm. Chúng sẽ là máy bay đa chức năng có radar AESA, động cơ đôi, lớp phủ tàng hình và trọng tải tương tự.”
Hàn Quốc đã ký thỏa thuận cung cấp 50 đơn vị KF-21 cho đối tác phát triển chung Indonesia, trong khi các nước khác như Philippines và Ba Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến máy bay phản lực này.
Về phía Trung Quốc, nước này đã trình diễn FC-31 trong Triển lãm Quốc phòng Thế giới ở Riyadh vào tháng 2 và hiện không có kế hoạch xuất khẩu, trong khi Ả Rập Saudi đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác lâu dài trong ngành công nghiệp quốc phòng với Hàn Quốc.
Trong chuyển thăm Ả rập Saudi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết Riyadh cũng bày tỏ sự quan tâm đến dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Seoul, có tên là KF-XX, với KF-21 làm cơ sở"
"Đương nhiên, xuất khẩu KF-21 sẽ chiếm ưu thế hơn”, Yang nhận định, “Điều hấp dẫn ở chỗ đây là hệ thống vũ khí không phải của Mỹ tuân theo các tiêu chuẩn của NATO". Còn Heath cho biết Hàn Quốc có tiềm năng xuất khẩu KF-21 sang các thị trường bị thu hút bởi triển vọng về một máy bay chiến đấu tiên tiến có giá thấp hơn nhiều so với F-35 và dễ mua hơn.