TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Hàn Quốc, Triều Tiên gặp mặt nhưng chưa thể hội đàm | |
Hai miền Triều Tiên cần bắt đầu bằng các biện pháp dễ thực thi |
Ngày 5/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã đặt chân tới Ankara, bắt đầu chuyến thăm 6 ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên còn ngổn ngang trăm mối, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thì đang “ăn miếng trả miếng” nhau, chuyến công du của ông Song Young-moo hướng tới tìm kiếm hợp tác quốc phòng, ngõ hầu vơi đi mối lo an ninh trên Bán đảo này.
Trong chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2008, ông Song Young-moo sẽ thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ những biện pháp tiến hành các thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Ngay sau đó, bắt đầu từ ngày 9/8, ông Song sẽ lên đường tới Ấn Độ, gặp các quan chức hàng đầu New Delhi để bàn về an ninh khu vực và hợp tác trong ngành công nghiệp vũ khí.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tại Ankara, ngày 7/8. |
Tự thân vận động?
Có thể thấy bế tắc trên bán đảo Triều Tiên đã nhạt bớt, ít nhất là tạm thời, nhờ một loạt biện pháp xây dựng lòng tin từ chính quyền ông Kim Jong-un, bất chấp Bình Nhưỡng chưa thực sự khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa và thậm chí là có dấu hiệu tiếp tục chương trình sản xuất vũ khí của mình.
Vấn đề quan trọng trước mắt đối với hai miền là tìm kiếm hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm hôm 27/4, ông Moon và ông Kim cam kết tuyên bố nói trên sẽ được đưa ra trước cuối năm nay. Tuy nhiên, lời hứa giữa hai nhà lãnh đạo vẫn đầy mơ hồ, khi bị chi phối bởi “nhân tố Mỹ”. Washington muốn bắt đầu quá trình phi hạt nhân hóa bằng việc làm rõ các kho nguyên vật liệu và địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tỏ ra có ý trì hoãn nhằm chờ đợi Mỹ “hành động” thêm.
Trong “thế kẹt” giữa Mỹ - Triều, để bảo vệ lợi ích của mình, Hàn Quốc buộc lòng phải “tự thân vận động”. Vì lẽ đó, khi có mặt tại Ankara, ông Song Young-moo đang thể hiện nỗ lực kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Hàn Quốc.
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 7/8 cho biết: “Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Song đã giải thích với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar về kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều vừa qua, đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ cũng như hợp tác tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.
Đáp lại, Bộ trưởng Akar cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc trong nỗ lực mang lại sự ổn định hòa bình trên bán đảo Triều Tiền và nhấn mạnh điều này có liên quan trực tiếp đến nền hòa bình thế giới.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng khẳng định ủng hộ Hàn Quốc thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm vun đắp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 9/8, Bộ trưởng Song đến New Delhi trong chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc kể từ năm 2012.
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã có hội đàm thảo luận biện pháp tiến hành các thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Đây đều là những thỏa thuận đạt được sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Seoul giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tháng Năm vừa qua.
Theo đó, hai bên đồng ý mở rộng hợp tác quốc phòng, trao đổi các quan chức cấp cao và khởi động các cuộc đối thoại quân sự song phương thường kỳ. Ngoài ra, Bộ trưởng Song cũng đã gặp ông Ismail Demir, quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng để xem xét hiện trạng hợp tác của hai nước trong ngành này. Hợp tác công nghiệp vũ khí giữa Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ luôn được đánh giá tích cực. Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ từng mua pháo K-9 và máy bay phản lực KT-1 đời đầu tiên do Hàn Quốc chế tạo.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến tổ chức sự kiện tri ân những binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Vào thời điểm xảy ra xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lực lượng chiến đấu dưới cờ của Liên hợp quốc, trong khi Ấn Độ hỗ trợ chủ yếu về y tế.
65 năm qua, người dân hai miền Triều Tiêu đã quá mong mỏi vào viễn cảnh hòa bình, nơi một dân tộc Triều - Hàn được sống trong hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, không có đe dọa của vũ khí hạt nhân và hơn bao giờ hết, họ cần tiếng nói ủng hộ từ cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa giấc mơ sum vầy này.
Tổng thống Hàn Quốc cải tổ Bộ Tư lệnh An ninh và Quốc phòng Ngày 3/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thay thế người đứng đầu Bộ Tư lệnh An ninh và Quốc phòng (DSC) và ra ... |
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Hàn Quốc lần thứ 8 Ngày 3/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Hàn Quốc lần thứ 8 đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của ... |
Truyền thông Triều Tiên hối thúc Hàn Quốc kết thúc chiến tranh Ngày 23/7, các phương tiện truyền thông Triều Tiên đã gia tăng các lời yêu cầu Hàn Quốc thực hiện thỏa thuận đạt được tại ... |