📞

Hàng loạt sự kiện hấp dẫn hứa hẹn khuấy động Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình 2024

Tống Thoan 14:55 | 05/11/2024
Từ ngày 15-23/11, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, trải nghiệm hấp dẫn.
Toàn cảnh buổi họp báo giới thiệu các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024, ngày 5/11. (Ảnh: Xuân Sơn)

Sáng 5/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Họp báo thông tin về Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024.

Đến dự sự kiện có ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình; bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình; ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình và đại diện các sở, ban, ngành cùng các phóng viên.

Phát biểu tại Họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết, trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động văn hóa đa dạng như triển lãm, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại, hội thảo về phát triển du lịch bền vững cũng như tham gia các tour khám phá thắng cảnh nổi tiếng Hòa Bình. Ông Nguyễn Văn Toàn mong muốn sẽ biến Hòa Bình thành "bếp ăn" của Thủ đô, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn và chất lượng tới du khách và người dân có nhu cầu thưởng thức ẩm thực tỉnh Hòa Bình.

Năm 2023, UBND tỉnh Hòa Bình ký ban hành Quyết định số 2742/QĐ-UBND Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023 - 2030. Mục tiêu chung của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước và đầu tư nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa của dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động văn hóa đa dạng tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình 2024. (Ảnh: Xuân Sơn)

Dù gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, các cấp chính quyền và nhân dân Hòa Bình đã rất nỗ lực với nhiều giải pháp linh hoạt. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,02%, thu ngân sách nhà nước hoàn thành kế hoạch cả năm 2024, thu được khoảng 6.400 tỷ đồng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hòa Bình thực hiện 4 nội dung đột phá gồm: quy hoạch; phát triển hạ tầng; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Trong đó, quy hoạch là đột phá cơ bản, sắp tới tỉnh sẽ ban hành kế hoạch để thực hiện quy hoạch.

Bà Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Xuân Sơn)

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Quách Thị Kiều, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 là sự kiện lớn trong năm của tỉnh, diễn ra trong 9 ngày với nhiều hoạt động, cụ thể: Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà tối 15/11; Triển lãm ảnh nghệ thuật ngày 16-18/11; Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành và Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 tối 16/11.

Chiều ngày 19/11, Diễn đàn Nông nghiệp với chủ đề “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Tối cùng ngày sẽ diễn ra khai mạc Lễ hội cá, tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, lễ hội sẽ giúp giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh. (Ảnh: Xuân Sơn)

Về Lễ hội cá, tôm sông Đà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm nông nghiệp và quyền sở hữu hai nhãn hiệu đặc sản “Tôm sông Đà Hòa Bình” và “Cá sông Đà Hòa Bình”. Từ đó, xây dựng hình ảnh thủ phủ cá, tôm sông Đà trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hòa Bình.

Thông qua lễ hội, Hòa Bình mong muốn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Hòa Bình; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ cá, tôm sông Đà, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh để thu hút du lịch trong nước và quốc tế.

Trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh, Hòa Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông; với nhiều di tích đã được xếp hạng và lễ hội dân gian của các dân tộc. Bên cạnh những giá trị văn hóa độc đáo, Hòa Bình còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan hùng vĩ, nhiều hang động đẹp và khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng.

Với những tiềm năng, thế mạnh đó, Hòa Bình xác định mục tiêu là phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc; chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch; phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng.

Tuần Văn hóa - Du lịch Hoà Bình là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu hợp tác hướng tới mục tiêu phát triển du lịch Hòa Bình toàn diện và bền vững. (Nguồn: hoabinhtourism.vn)