📞

​Hàng triệu trẻ em trở thành nạn nhân của xung đột vũ trang tại Yemen

11:18 | 17/01/2018
Từ tháng 3/2015 đã có hơn 5.000 trẻ em Yemen bị thương hoặc bị sát hại trong cuộc nội chiến kéo dài tại nước này. 

Như vậy, trung bình mỗi ngày có 5 em bị rơi vào tình cảnh này, trong khi khoảng 400.000 em khác đang bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng và phải vật lộn để sống sót. 

Báo cáo công bố ngày 16/1 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết gần 2 triệu trẻ em Yemen không thể đến trường, 25% trong số này đã không đến lớp kể từ khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu không kích chống lại lực lượng Houthi tại Yemen vào tháng 3/2015.

Khoảng 400.000 em bé đang bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng và phải vật lộn để sống sót. (Nguồn: AFP)

Theo UNICEF, hơn 3 triệu trẻ đã ra đời trong cuộc nội chiến và các em trở thành nạn nhân của bạo lực, bệnh tật, nghèo đói, không được tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc cơ bản.

Đại diện UNICEF tại Yemen Meritxell Relano nhận định cả một thế hệ trẻ nhỏ tại quốc gia này lớn lên trong chiến tranh và không biết gì ngoài bạo lực. Những em này đang phải hứng chịu hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Ông Relano cho biết hơn 11 triệu trẻ em Yemen, gần toàn bộ trẻ em tại nước này, đang cần cứu trợ nhân đạo. 

Trong khi đó, theo Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), khoảng 8,4 triệu người dân Yemen đang có nguy cơ đối mặt với nạn đói, tăng từ mức 6,8 triệu người trong năm 2017.

Hiện tổng cộng có 22,2 triệu người, tương đương 76% dân số Yemen đang phải phụ thuộc vào hàng viện trợ, tăng 1,5 triệu người trong 6 tháng qua. 

Thời gian qua, các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng mà Liên hợp nhận định là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới này đã bị cản trở bởi lệnh phong tỏa của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu.

Sau khi phiến quân Houthi bắn tên lửa nhằm vào sân bay Riyadh tháng 11/2017, liên quân đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với các cảng biển bị quân nổi dậy chiếm đóng. Hiện biện pháp này đã được nới lỏng. 

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cố Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa.

Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.

Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại nước này.

Chiến tranh và xung đột kéo dài gần 3 năm qua tại Yemen đã khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và 2/3 dân số nước này cần cứu trợ nhân đạo.

Kể từ tháng 4/2017, Yemen phải đối mặt với dịch tả tồi tệ nhất thế giới với khoảng 5.000 ca nhiễm mỗi ngày và khoảng 15 triệu người ở nước này lâm vào tình trạng thiếu nước sạch và dịch vụ y tế.

(theo AFP)