Nhỏ Bình thường Lớn

Hành trình của những chiếc nôi sơ sinh

Xuất hiện ở châu Âu từ thời Trung cổ, những năm gần đây những chiếc nôi công cộng đón trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã trở lại ở khắp nơi trên thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng…
Nôi sơ sinh công cộng luôn ấm áp và sạch sẽ.

Với nhiều tên gọi khác nhau, "lồng ấp trẻ sơ sinh", "hộp trẻ sơ sinh" hay "giỏ trẻ sơ sinh" (Baby hatches, Babywiege, Babyklappe), những chiếc nôi sơ sinh đang tồn tại trên thực tế với sự ủng hộ lẫn chỉ trích của dư luận. Tuy nhiên, sự gia tăng trẻ em bị bỏ rơi có thể nhìn thấy qua số lượng các bé được tìm thấy ở đây. Hiện tượng này trước đây phổ biến trong thành phần dân di cư, giờ lại lan rộng ra cả thành phần người bản xứ khi khủng hoảng kinh tế không từ chối bất kỳ ai.

Người nâng đỡ

"Mẹ của em bé thân mến! Chúng tôi hiểu rằng việc phải từ bỏ đứa con không phải dễ dàng cho bạn. Hãy yên tâm vì chúng tôi sẽ không gây hại cho em bé của bạn, ngược lại, chúng sẽ được chăm sóc bằng khả năng có thể và mang lại cho bé một khởi đầu tốt trong cuộc sống. Bạn cũng nên thay đổi suy nghĩ, bất kỳ khi nào bạn muốn ở bên con và có đủ tự tin hãy trở lại đây".

Đó là một trong những bức thư tay được đặt tại các nôi sơ sinh ở Đức với thông điệp đầy cảm thông và trách nhiệm. Hoạt động với cơ chế tự động, khi một bé sơ sinh được đặt vào, hệ thống báo của những chiếc nôi sẽ vang lên và ít phút sau đó, những người bảo vệ sẽ đến đón em bé.

Tờ Daily Mail cho biết, những chiếc nôi tại bệnh viện St Joseph ở Berlin luôn ấm áp, được lót bằng gối và chăn cùng với còi báo động. Bên trong nôi là bức thư nhắn nhủ rằng, em bé sẽ được chăm sóc trong tám tuần. Trong khoảng thời gian này, bà mẹ có thể trở lại để đón con mình và nếu không trở lại, em bé sẽ được cho người khác nhận làm con nuôi.

Trên BBC, ông George Protopapas, Giám đốc Quốc gia về thiện nguyện của phân bộ Hy Lạp kể về trường hợp của một bé bốn tuổi bị mẹ bỏ rơi với dòng chữ: "Tôi sẽ không tới đón Anna vì tôi không còn khả năng nuôi nó. Xin làm ơn chăm sóc cháu cẩn thận. Thành thật xin lỗi".

Theo ông Protopapas, hầu hết trường hợp bỏ rơi con cái thuộc tầng lớp nghèo khó, tuy nhiên tầng lớp trung lưu cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng và họ sẽ là nạn nhân trong những năm tới.

Theo Daily Mail, cuối năm 2013, những chiếc nôi đang lan rộng khắp châu Âu, con số ở Đức đã là 99, Ba Lan là 45, Cộng hòa Czech là 44 , Hungary là 26, Italy và Bỉ là 8…

... hay kẻ tội đồ?

Điều 7 của Công ước Liên hợp quốc về quyền của trẻ em quy định rằng, trẻ em có quyền được biết ai là cha mẹ và được chăm sóc bởi cha mẹ. Khi trẻ em bị bỏ rơi thì quyền này bị xâm phạm. Như vậy, phải chăng những chiếc nôi công cộng đã vô tình "tiếp tay" cho hành vi này?

"Chúng ta không nên khuyến khích các bà mẹ đặt em bé vào đó - nó không khác là "cha mẹ kế" của đứa trẻ", nhà tâm lý học Kevin Browne của Đại học Nottingham đã nói vậy khi ông cho rằng những chiếc nôi này khá "nguy hiểm" vì đây chính là việc dễ dàng để các ông bố bà mẹ tìm cách thoát khỏi em bé và đánh mất quyền của đứa trẻ được biết cha mẹ là ai.

Những người không đồng tình khác thì cho rằng, giải pháp này tạo điều kiện cho những người cha vô lương tâm gây áp lực lên các bà mẹ và buộc họ bỏ đi đứa trẻ không mong muốn.

Tuy nhiên, với người ủng hộ thì những chiếc nôi này rất an toàn và chắc chắn sẽ tốt hơn cho trẻ bị bỏ rơi trên đường phố, trong cái lạnh cóng ở nơi công cộng, hoặc tồi tệ hơn như trường hợp một người mẹ ở Đức đã bỏ con bằng cách thả xuống từ ban công tầng 5. Thay vào đó, tại những chiếc nôi này, em bé được chăm sóc đầy đủ và hoàn toàn có cơ hội được trở lại với cha mẹ. Như tại một chiếc nôi ở Hamburg (Đức) có tới 42 trẻ sơ sinh bị để lại trong 10 năm qua, đã có 17 bà mẹ liên lạc lại và 14 bà mẹ nhận lại con mình.

Và giữa những dư luận trái chiều, mục sư Lee Jong Rak ở Hàn Quốc vẫn có chiếc nôi của riêng mình với 20 đứa trẻ đáng thương được ông đón nhận và tận tình chăm sóc.

Bất chấp những lời chỉ trích, đến nay, Trung Quốc đã xây dựng tới 25 điểm nhận trẻ bị bỏ rơi. Vứt bỏ con cái được xem là bất hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng biện pháp này sẽ đem lại cơ hội và môi trường sống an toàn cho đứa trẻ hơn là để chúng lang thang. Ước tính mỗi năm có tới 10.000 đứa trẻ bị bỏ rơi, nên đến cuối năm 2014, mỗi tỉnh ở Trung Quốc sẽ phải có ít nhất hai điểm dành cho trẻ bị bỏ rơi.

AN BÌNH