Đó là quan điểm của phần lớn các đại biểu tham dự Cuộc họp Lần thứ nhất Nhóm Đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG) được tổ chức ngày 15/3 tại Hà Nội.
Cuộc họp Lần thứ nhất Nhóm Đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG) ngày 15/3 tại Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Nỗ lực của Chính phủ
Tuy chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, song ở đâu đó, nông thôn hay thành phố, miền núi hay vùng biển và thậm chí ngay tại thủ đô Hà Nội, vẫn còn xảy ra tai nạn bom mìn, vật nổ thương tâm do hậu quả của chiến tranh để lại, cướp đi mạng sống con người, kể cả phụ nữ và trẻ em; gây thương tích cho hàng ngàn người lao động; ảnh hưởng đến an toàn và cuộc sống của nhân dân.
Theo thông tin Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết tại Cuộc họp, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom, mìn và vật nổ tại Việt Nam. Việc thực hiện Chương trình 504 trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập đời sống xã hội, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và bảo đảm an toàn cho người dân, tăng cường năng lực thể chế và năng lực con người, phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Việt Nam nhận thức được những khó khăn và thách thức đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở một số quốc gia bị ô nhiễm nặng nề bom mìn, vật nổ sau chiến tranh như Việt Nam. Bởi vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, để đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình 504 cần thiết phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt từ các đối tác phát triển quốc tế. Để tạo thuận lợi cho công tác này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (MAPG). MAPG chính thức ra mắt vào tháng 10 năm ngoái nhân dịp khánh thành Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC).
“Hoạt động của Nhóm MAPG có suôn sẻ hay không tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của Ban Điều hành và Ban Thư ký. Bên cạnh đó, Nhóm MAPG phải có một Chương trình Nghị sự cho năm 2017 với định hướng và các hoạt động cụ thể gắn kết với Chương trình 504”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
MAPG có sự tham gia rộng rãi của các Bộ/ngành, địa phương, các đối tác phát triển quốc tế, các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ… MAPG là diễn đàn rộng mở, đa dạng và cởi mở để đối thoại chính sách, thể chế quản lý, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn.
“Vạn sự khởi đầu nan”
Bày tỏ lạc quan trước tương lai của MAPG, Đại sứ Mỹ Ted Osius khẳng định tại Cuộc họp: “vạn sự khởi đầu nan” - bước đầu tiên và là bước đi khó khăn nhất nhưng cũng là bước đi đáng nhớ nhất. Việt Nam đã và đang có những bước tiến quan trọng để đưa Chương trình Hành động Quốc gia Khắc phục Hậu quả Bom mìn sau chiến tranh hòa nhập cùng cộng đồng quốc tế.
Theo Đại sứ, mục tiêu của MAPG đặt ra hết sức đơn giản là làm sao để Việt Nam không còn ảnh hưởng của bom, mìn, để người dân, trẻ em được tự do hoạt động trong những vùng đất thật sự an toàn. Đây là lời nhắc nhở về bi kịch của chiến tranh. Một cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm về trước nhưng vẫn đang cướp đi sinh mạng và gây thương tích cho người dân, cản trở Việt Nam hưởng trọn vẹn hòa bình và thịnh vượng.
Trong suốt hơn 40 năm qua, Việt Nam đã luôn hết sức nỗ lực để làm sạch các khu vực đất đai bị ô nhiễm bởi chiến tranh. Đại sứ Ted Osius chia sẻ rằng từ năm 1993, Mỹ là đối tác đồng hành cùng Việt Nam trong các nỗ lực này với đóng góp gần 100 triệu USD. Nhưng cho đến nay, theo ước tính, vẫn còn 1/5 diện tích đất liền của Việt Nam, tương đương với diện tích của đất nước Sri-lanka còn bị ô nhiễm tồn dư bom mìn. Mỗi năm, có tới gần 50 nạn nhân bom mìn mới và vô số những người dân gián tiếp bị ảnh hưởng, lo sợ về chính mảnh đất nơi mình đang sống.
“Tôi đề cập tới điều này không nhằm nói rằng mục tiêu của chúng ta là bất khả thi, mà để nhấn mạnh thách thức ban đầu và việc Việt Nam đã nỗ lực đến nhường nào”, Đại sứ Ted Osius nói.
Đại sứ cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một đất nước không bị ảnh hưởng bởi tồn dư bom mìn. Tuy nhiên, công việc này sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, cũng như cần phải có các chuyên gia để xác định và làm sạch bom mìn, vật nổ còn sót lại, đồng thời giáo dục người dân địa phương về những nguy hiểm của bom mìn.
Hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam không đơn độc trong hành trình làm sạch bom mìn trên dải đất hình chữ S. Đại sứ Ted Osius nhận định Việt Nam cũng không có con đường tắt để tới đích trong vấn đề này và cần mở rộng cửa để đón nhận hợp tác quốc tế, áp dụng những kinh nghiệm, bài học của nhiều quốc gia khác.
Theo Đại sứ Ted Osius, sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam đã tạo ra một “hệ thống sống động về bom mìn, vật nổ” cho hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ đã cùng với Chính phủ Anh đồng tài trợ trong các dự án xây dựng năng lực quốc gia tại Việt Nam, cùng với Nhật Bản hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn ở Quảng Bình.
“Có thể thấy rằng, cộng đồng quốc tế giúp tạo ra sự khác biệt ở Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai của Việt Nam, cho lợi ích của chúng ta”, Đại sứ Ted Osius nói.
Tương lai Việt Nam mà ông Ted Osius nhấn mạnh ở đây là một tương lai mà ở đó trẻ em Việt Nam có thể tự do đi đến trường mà không có bất kỳ nguy hiểm nào, ở đó nông dân Việt Nam có thể canh tác mà không phải lo sợ, Việt Nam có thể phát huy tiềm năng kinh tế lớn mạnh và đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới.