📞

Hành trình sơ tán an toàn công dân mang hai quốc tịch Việt Nam-Australia ở Sudan

Nhã Anh 09:34 | 02/06/2023
Với sự tận tâm, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao nhất thực thi công tác bảo hộ công dân, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan phối hợp với các cơ quan liên quan đã sơ tán thành công một công dân Việt Nam đang làm ăn buôn bán tại Sudan gặp nạn do xung đột.
Xung đột tại Sudan leo thang khiến công dân nước ngoài trong đó có ông P.V.K có nguyện vọng được sơ tán về nước. (Nguồn: Reuters)

Ngày 15/4, khi xung đột quân sự bùng nổ tại Sudan, công dân P.V.K, sinh năm 1957, quê quán Tiền Giang, có hai quốc tịch Việt Nam và Australia, đang làm ăn buôn bán tại đây. Ông K cho biết đã bị mất cả hai hộ chiếu Việt Nam và Australia, bày tỏ nguyện vọng được sơ tán với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan.

Bối cảnh "căng như dây đàn"

Ngay những ngày đầu chiến sự, thủ đô Khartoum với khoảng 8 triệu dân bị mất điện, mất nước trên diện rộng, sóng điện thoại, Internet chập chờn. Các hãng hàng không thông báo tạm dừng các chuyến bay, các nước láng giềng quyết định đóng cửa đường biên giới với Sudan. Tình trạng thiếu lương thực, điện, nước, nguồn cung y tế và nhiên liệu trở nên cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là ở thủ đô và các vùng lân cận. Giá cả các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ cơ bản liên tục gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra cảnh báo về “nguy cơ rủi ro sinh học cao” sau khi các tay súng chiếm giữ một phòng thí nghiệm chứa các mẫu bệnh bại liệt, tả, sởi.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán một mặt cố gắng giữ liên lạc để nắm tình hình và động viên ông K, báo cáo các cơ quan chức năng liên quan đồng thời làm thủ tục xác minh nhân thân để cấp lại hộ chiếu cho ông K. Mặt khác, Đại sứ quán họp khẩn cấp với Đại sứ quán các nước ASEAN ở Cairo, thảo luận các phương án khả thi để đưa công dân ra khỏi vùng chiến sự.

Phương án được chọn là đi theo đường bộ đến Ai Cập theo hướng Bắc với hành trình khoảng 1.000 km hoặc đến ít nhất đến được thành phố biển Port Sudan, nằm cách thủ đô Khartoum khoảng 800 km về phía Đông, là điểm tập kết được nhiều nước sử dụng để hồi hương công dân, lúc đó còn tương đối an toàn.

Đồng thời, Đại sứ quán cũng trao đổi với Đại sứ quán Australia tại Ai Cập về tình hình ông K. Phía Australia khẳng định có nắm thông tin về trường hợp này và cũng đã đưa vào danh sách cần được hỗ trợ song không có chính sách hỗ trợ tài chính cho công dân sơ tán.

Lúc này cuộc giao tranh ở thủ đô Khartoum đang dần lan sang các bang khác, số lượng thương vong ngày một tăng. Sudan nằm ở cửa ngõ vào khu vực Sahel, nơi tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị đang làm cho tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ nay càng trở nên thê thảm hơn.

Tìm mọi giải pháp để sơ tán công dân an toàn, thành công

Ngay khi biết tin Saudi Arabia hỗ trợ công dân các nước sơ tán bằng phà vượt biển từ thành phố Port Sudan sang thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia, Đại sứ quán đã đặt vấn đề về trường hợp ông K và đã được chấp thuận.

Phía Saudi Arabia yêu cầu ông K tìm cách đến được Văn phòng tạm thời của họ tại Port Sudan để được hỗ trợ đưa ra khỏi Sudan. Tuy nhiên, khi ông K cùng với một nhóm công dân của Philippines đến được Port Sudan thì phía Saudi Arabia lại thông báo dừng sơ tán bằng phà.

Tình hình càng ngày càng khẩn cấp, người nước ngoài đổ dồn đến Port Sudan ngày càng đông, ông K vẫn trong tình trạng không giấy tờ tùy thân, hàng ngày phải sống nhờ trong một nhà thời Hồi giáo. Đại sứ quán lại liên hệ móc nối các nơi để tìm giải pháp khác.

Rất may không lâu sau đó, khi có thông tin một hãng hàng không tư nhân Sudan, có văn phòng đại diện tại Cairo, khai thác lại đường bay Port Sudan – Jeddah, Đại sứ quán đã liên hệ và giữ chỗ cho ông K trên chuyến bay sớm nhất rời Port Sudan.

Với sự tận tâm, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao nhất thực thi công tác bảo hộ công dân, Đại sứ quán đã phối hợp với thân nhân ông K, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an, Quỹ Bảo hộ Công dân Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn và mua vé máy bay từ Port Sudan qua Jeddah và sau đó từ Jeddah về Việt Nam cho ông K.

Nhờ đó, ông K đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh an toàn và gửi lời cảm ơn các cơ quan chức năng Việt Nam đã bảo hộ công dân thành công. Câu chuyện một lần nữa cho thấy, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tích cực, chí công vô tư, không quản khó khăn để bảo hộ công dân Việt Nam bị nạn.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan)