Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1920 tại Tours, Nguyễn Ái Quốc đã tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành, người thanh niên yêu nước vừa tròn 21 tuổi đã ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amaral Latouche Trévilla, từ bến cảng nhà Rồng (Sài Gòn) đi tới thành phố Marseille (Pháp) [4].
Chàng thanh niên trẻ với ý chí mãnh liệt và hoài bão sẽ tìm được con đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Trong suốt hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục Âu, Á, Phi, Mỹ qua gần 30 quốc gia và hàng trăm thành phố.
Nguyễn Tất Thành đã chịu đựng và vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ, làm đủ thứ nghề để mưu sinh, nuôi dưỡng hoài bão lớn lao với một khát khao cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” [1].
Đặc biệt ở 3 nước Anh, Pháp và Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân khá lâu để khảo sát và tìm hiểu đời sống của người dân ở những quốc gia đó cũng như muốn biết lý do tại sao họ lại muốn xâm chiếm các quốc gia khác. Người hoà mình vào đời sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động như: Phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh, làm vườn, vẽ thuê, kéo xe, làm bánh...
Hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người đã để lại cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là những du học sinh đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài nhiều bài học quý báu để hoàn thiện bản thân mình góp phần vào công cuộc đưa Việt Nam trở thành một cường quốc như kỳ vọng của Người.
Hoài bão và lý tưởng sống
Có thể thấy, mặc dù mới ngoài 20 tuổi nhưng Nguyễn Tất Thành đã sớm định hình cho một lý tưởng sống cao đẹp đó là hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Mục đích của Người ra nước ngoài không chỉ mở mang tầm nhìn và hiểu biết mà sâu xa hơn đó là phải tìm bằng được con đường để cứu nhân dân ra khỏi kiếp nô lệ lầm than, đưa đất nước thoát ra khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc.
Theo cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước” của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông năm 2021, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp vào đầu năm 1919 [4]. Ngày 18/6/1919 với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, chàng thanh niên thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Versailles yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam.
Như vậy, ở tuổi 29 Người đã trở thành đảng viên Đảng xã hội Pháp và đã đủ uy tín để được thay mặt đại diện cho những người Việt Nam yêu nước tại Pháp ra những yêu sách cho chính quyền Pháp đòi về quyền tự do, dân chủ và bình đẳng cho người dân của mình.
Tháng 7/1920, sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin đăng trên báo L’Humanite (Báo Nhân đạo của Đảng xã hội Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận với chủ nghĩa Marx-Lenin.
Luận cương đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc giải đáp những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết với chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” [4].
Ở tuổi 30 sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cuối cùng Người đã tìm ra hướng đi cho dân tộc mình sau khi gặp chủ nghĩa Marx-Lenin.
Cuối tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đồng thời cũng đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản [1].
Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố nòng cốt cho lực lượng cách mạng Việt Nam. Người cho truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, xây dựng các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh” Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam [2].
Từ hành trình tìm đường cứu nước của Người, bài học giá trị nhất mà các du học sinh có thể rút ra cho bản thân mình đó chính là trước hết phải định hình cho mình một lý tưởng sống cao đẹp: “Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.
Phải biết tiếp thu các kiến thức văn minh của các quốc gia phát triển để đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước Việt Nam ngày một giàu mạnh hơn “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong đợi.
Việc đi học ở một quốc gia phát triển không chỉ để biết thêm một nền văn hoá mới, ngôn ngữ mới mà còn phải xác định rõ trách nhiệm của mình với tư cách là một công dân Việt Nam vì vậy bản thân phải là một đại sứ về văn hoá của dân tộc Việt góp phần vào chia sẻ, quảng bá và lan tỏa các giá trị tốt đẹp về văn hóa và con người Việt Nam với các bạn bè quốc tế.
Phải biết hòa mình vào đời sống của những người lao động bản xứ, trải nghiệm qua những công việc khó khăn, gian khổ để trau dồi thêm các kinh nghiệm sống, bản lĩnh sống qua đó hiểu rỏ hơn về giá trị cuộc sống giúp mình trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn.
Đặc biệt, những đảng viên là du học sinh cần phải mẫu mực tiên phong về tinh thần “Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Phải không ngừng nỗ lực trau dồi đạo đức cách mạng, hoàn thiện nhân cách, luôn nỗ lực hết mình trong nghiên cứu, học tập trở thành những công dân toàn cầu qua đó khẳng định với bạn bè quốc tế về ý chí phi thường và trí tuệ tài hoa của người Việt. Mỗi đảng viên du học sinh phải thực sự là một đại diện tinh hoa của nước Việt, là niềm tự hào của đất nước.
Lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Newcastle chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. |
Cần kiệm
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về đức tính cần kiệm. Trong tác phẩm Đời sống mới (3/1947), Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần kiệm”[5].
Theo Người: Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”; “Cần thì việc gì dù khó khăn đến mấy, cũng làm được”. Hiểu đúng về Cần nghĩa là phải luôn chăm chỉ, chịu khó, cần mẫn trong mọi việc làm dù khó khăn, vất vả đến mấy nếu kiên trì, chuyên cần ắt sẽ đạt được thành công. Nếu thông minh mà không có đức tính cần cù, chịu khó thì cũng không thể làm nên việc lớn.
Người ví von: “Nếu mỗi người, mỗi ngày làm thêm một tiếng đồng hồ thì: Mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm thêm lên 3600 triệu giờ... Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã có thêm được 3600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công” [5].
Về Kiệm theo Người “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không tiêu hoang bừa bãi” nhưng cũng không phải là keo kiệt, bủn xỉn. Kiệm là chi tiêu thời gian hay tiền bạc đúng nơi, đúng chỗ, phải hợp lý, khoa học. Cần phải đi đôi với Kiệm như “hai chân của con người” vì Kiệm mà không cần thì không phát triển, không tăng thêm của cải vật chất. Cần mà không Kiệm thì trở nên hoang phí, bừa bãi [4].
Tiết kiệm về vật chất phải song song với tiết kiệm thời gian để làm thế nào tiêu phí thời gian ít nhất nhưng đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Người cho rằng tiết kiệm thời giờ của mình thì cũng phải nghĩ đến tiết kiệm thời giờ cho người khác cũng giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm”.
Đặc biệt người cho rằng tiết kiệm cũng cần phải có khoa học, có tổ chức vì” không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm” và phải “kiên quyết không xa xỉ” [5].
Trên hành trình gần 30 năm tìm đường cứu nước đức tính cần kiệm, chịu khó, chịu khổ đã giúp Người vượt qua nhiều khó khăn, khắc nghiệt khi bôn ba ở xứ người.
Trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” cho biết rằng trong thời gian từ tháng 7/1921 đến tháng 3/1923, Nguyễn Ái Quốc ở trọ tại nhà số 9 ngõ Compoint, Quận 17, Thủ đô Paris [4].
Cuộc sống của người thanh niên Việt Nam trên đất Pháp được mô tả: “Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa để một chiếc giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều về, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào những tờ báo cũ rồi để xuống nệm cho đỡ rét” [4].
Hay ngay cả khi Người đã trở thành Chủ tịch nước, Người luôn thực hành tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc mọi nơi. Bác tiết kiệm đến cái nhỏ như tờ giấy” “Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng 2, 3 lần”. Những mẩu chuyện về đức tính tiết kiệm của Người đã trở thành giai thoại lưu mãi về sau.
Từ đó có thể rút ra bài học cho du học sinh, dù đi học tự túc hay bằng học bổng luôn phải nêu cao tính cần kiệm. Nó không chỉ giúp bản thân có thể học cách lên kế hoạch chi tiêu trong cuộc sống một cách khoa học mà qua đó, còn rèn luyện bản thân mình hiểu hơn giá trị của thời gian và tiền bạc.
Đặc biệt là những đảng viên những người đi học bằng ngân sách của nhà nước tức là từ tiền thuế của dân. Họ cần phải tiên phong, gương mẫu trong vấn đề thực hành tiết kiệm. Phải cố gắng tiết kiệm, rút ngắn thời gian học tập, hoàn thành tốt việc học của mình để không lãng phí tiền bạc mà nhà nước đầu tư.
Hoàn thành việc học đúng thời hạn, mang kiến thức mình học được góp phần vào phát triển lĩnh vực chuyên môn mà mình được đào tạo đó cũng là một cách thực hành tiết kiệm đối với đảng viên là du học sinh.Tuyệt đối tránh lối sống xa hoa, lãng phí, thực dụng. Cho dù sống ở môi trường văn hóa phương Tây nhưng phải luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người đảng viên.
Lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Newcastle giới thiệu văn hóa Việt Nam. |
Khiêm tốn và giản dị
Sự khiêm tốn và giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hun đúc và rèn giũa trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đức tính khiêm tốn, giản dị đó không chỉ giúp người được tất thảy mọi đồng bào không chỉ trong nước mà ngoài nước yêu mến, kính trọng mà thông qua đó Người còn được học hỏi, hoàn thiện bản thân từ những người khác. Có rất nhiều mẩu chuyện về đức tính khiêm tốn, giản dị của Người, mỗi câu chuyện là một bài học sâu sắc cho chúng ta.
Khi bắt đầu học viết báo, Người chăm chú học với ông Jean Longuet, chủ nhiệm báo Populaire, cơ quan của Đảng xã hội Pháp. Người cẩn thận làm theo yêu cầu của ông, viết những tin dài rồi sau đó viết lại thành tin ngắn, súc tích hơn. Viết xong đối chiếu với tin bài được đăng xem đã viết sai điều gì, có gì cần chỉnh sửa...
Nhờ vậy mà Người trở thành một nhà báo vĩ đại với hàng ngàn tác phẩm, viết bằng nhiều thứ tiếng đăng cả trong và ngoài nước. Dẫu là một nhà báo chuyên nghiệp, sắc sảo, nhưng Người chỉ cho rằng mình “có ít nhiều kinh nghiệm làm báo” mà thôi. Ngay cả khi trở thành Chủ tịch nước, có khi viết xong một bài báo, Người còn đưa cho anh em bảo vệ, phục vụ để mọi người cùng đọc xem có hiểu không, nếu chưa hiểu thì Người sẽ sửa lại [6]
Khi Người thăm Indonesia (1959), Tổng thống nước này là Sukarno (1901-1970) rất ngưỡng mộ Người và tặng Người bằng Tiến sỹ danh dự trường Đại học Padjajaran, thành phố Bangdung, đó là bằng Tiến sỹ danh dự duy nhất của Người; đồng thời ông mời Người nói chuyện với các giáo sư, tiến sỹ và sinh viên của trường. Ở đây Người đã có bài phát biểu giản dị và khiêm nhường: Tôi không có may mắn học hành đầy đủ như các bạn, tôi chỉ tự học, cuộc sống là người thầy vĩ đại của tôi, thực tiễn đem lại cho tôi những tri thức về xã hội và nhân văn [6].
Trước sau Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ xem mình như là một công bộc của nhân dân, ví mình như “người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận”, Người luôn hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân: “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Qua tấm gương của Người, du học sinh, đặc biệt là những đảng viên đang làm nghiên cứu sinh, hay sau tiến sỹ phải luôn trau dồi đức khiêm tốn của mình. Không được bao giờ tỏ ra mình là người quan trọng, không được xem thường người khác và tỏ ra mình là người có học vị, bằng cấp cao vì học vị hay bằng cấp chỉ là tấm giấy xác nhận trình độ học vấn của cá nhân chứ hoàn toàn không phản ánh chính xác đạo đức hay năng lực thực sự của một cá nhân. Hơn thế nữa, dù anh có quan trọng hay tài giỏi đến bao nhiêu thì cũng đều có thể thay thế. Vì vậy, cần phải luôn cầu thị, lắng nghe, khiêm tốn học hỏi.
Phải biết phát huy trí tuệ tập thể, thông qua đánh giá nhận xét của tập thể mới có thể biết được những cái hay, dở của mình. Cần phải xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, không đề cao cái tôi, tôn trọng ý kiến tập thể, và không ngừng học hỏi từ quần chúng, từ nhân dân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân dẫn người ta đến một cuộc sống thấp hèn “không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước, họ hững hờ như người không có lý tưởng, đến đâu hay đến đó, qua tháng, qua ngày”[3].
Người còn cho rằng: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh” [3].
Qua đó có thể thấy, với du học sinh đặc biệt là đảng viên những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân như tư lợi cá nhân, thấy cái gì có lợi cho bản thân thì làm, còn không thấy lợi thì thờ ơ như người ngoài cuộc. Không tích cực tham gia vào các hoạt động của đoàn thể, luôn tìm lý do để trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy người khác.
Các biểu hiện khác như lợi dụng các chính sách của nhà nước để trục lợi cá nhân như tìm cách để ở lại nước ngoài khi được cử đi học ở những nước phát triển hơn, hay chỉ chăm chăm lo vun vén bản thân, cho gia đình không có tinh thần cống hiến hay phụng sự đất nước.
Tất cả các biểu hiện trên cần được phê phán để góp phần xây dựng một đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh. Mỗi đảngviên du học sinh phải thật sự là tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng, và là đại diện cho tinh hoa của dân tộc
Trong suốt hành trình gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Người, mỗi dấu chân Người đặt đến trên mỗi chặng đường đều để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Hơn tất thảy những gì chúng ta, những du học sinh đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, học được từ Người đó là những phẩm chất đạo đức cách mạng, lý tưởng sống cao đẹp suốt đời phụng sự cho nhân dân, cho dân tộc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người mãi là tấm gương sáng, là hình mẫu của người chiến sỹ cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Newcastle cổ vũ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thi đấu với đội tuyển Australia. |
Tài liệu tham khảo[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. [3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2002, tr. 464. [4] Đỗ Hoàng Linh. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2021. [5] Tân Sinh. Đời sống mới, Nhà xuất bản chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2015. [6] Trúc Giang. Học Bác về đức tính khiêm tốn. stxdd.thanhuytphcm.vn |
| Cách mạng tháng Mười Nga – một sự khẳng định những giá trị bất biến và bài học vô giá 105 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi trên diện tích một phần sáu quả ... |
| Tuổi trẻ Việt Nam-Lào học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane Ngày 15/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam - Lào học tập và làm theo ... |
| Bài học về Ngoại giao Hồ Chí Minh tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế Nắm sát tình hình thế giới và trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần, Việt ... |
| Không ngừng học tập, rèn luyện theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu chí, thước đo và phương châm hành động của cán bộ, đảng viên Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, GS. NGND Nguyễn ... |
| Ấn tượng của giáo sư Việt kiều trong một lần được gặp Bác Hồ Giáo sư Yang Dao nhớ như in hồi ông mới chỉ 4-5 tuổi đã cùng gia đình vinh dự được đón tiếp Bác Hồ và ... |