Hanoisme chụp ảnh tập thể cùng lãnh đạo cấp cao. |
Hanoisme vừa tròn 25 tuổi - một chặng đường đủ để có những bề dày truyền thống. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, xin ông chia sẻ đôi điều về “ngôi nhà chung” Hanoisme?
Ông Mạc Quốc Anh: Được thành lập từ năm 1995, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho các doanh nghiệp đa thành phần kinh tế và đa ngành nghề đang hoạt động trên địa bàn thành phố, là “cầu nối” đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên trong quan hệ kinh tế - xã hội với các tổ chức trong và ngoài nước, là cánh tay nối dài giữa doanh nghiệp và các cơ quan Đảng, Chính quyền, bộ, ngành nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong khuôn khổ Pháp luật quy định.
Hiệp hội ra đời vào ngày 21/12/1995 với tên gọi ban đầu là Câu lạc bộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Quyết định số 4518/QĐUB của UBND thành phố. Ngày 15/5/2000, CLB được đổi tên thành Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hà Nội (Hasmea) theo Quyết định số 2209/QĐ-UB của UBND Tp. Hà Nội và tiếp tục được đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Hà Nội (Hanoisme) theo Quyết định số 1632/QĐ-UB của UBND Tp. Hà Nội vào ngày 11/4/2016.
Hiệp hội đã tiến hành 5 nhiệm kỳ Đại hội với Chủ tịch đương nhiệm là ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB); ông Mạc Quốc Anh giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cùng 103 ông bà Phó Chủ tịch, Thường trực và Ủy viên Ban chấp hành điều hành các hoạt động của Hiệp hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội đã có 21 Hội, Câu lạc bộ, Chi hội trực thuộc với hơn 2000 hội viên. Bộ máy Hiệp hội vận hành với 10 ban chức năng có chuyên môn cao, các công việc cũng như hoạt động của Hiệp hội được sắp xếp một cách khoa học và sáng tạo. Để kết nối doanh nghiệp giữa Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, Hiệp hội đã thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân C&D Hồ Chí Minh với 500 Hội viên thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng.
Đại Hội nhiệm kỳ 5 của Hiệp hội. |
Định hướng phát triển chung của Hanoisme trong thời gian tới như thế nào thưa ông?
Để tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh hậu mùa chống dịch Covid-19, Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất thương mại gắn với các chương trình hoạt động Xúc tiến thương mại và đầu tư của UBND Tp. Hà Nội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) như: Kết nối vùng miền, giao thương với các doanh nghiệp Thủ đô và các Tỉnh thành; Đẩy mạnh các hoạt động giao thương trực tuyến thông qua các kênh khác nhau để phục vụ xuất khẩu nhất là hàng nông sản và may mặc xuất khẩu (khẩu trang, thiết bị y tế).
Hiệp hội đã đề xuất với các Sở, ngành về giải pháp thúc đấy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Hội cũng có đề xuất đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, liên quan đến đất đai và xây dựng.
Bên cạnh đó, đề xuất đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp để có quỹ đất cho doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, mở rộng sản xuất, tăng quy mô để bù đắp cho những tháng doanh nghiệp ngừng sản xuất. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở nhất là khâu logictic, tạo điều kiện xây dựng các kho lạnh phục vụ cho việc xuất khẩu nông sản.
Hiệp hội sẽ chủ động hơn, đặc biệt trong công tác phối hợp với các tổ chức chuyên môn, cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Qua đó, hội viên sẽ được trang bị nhiều hành trang thiết yếu để nhanh chóng hội nhập, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Họp Ban chấp hành Hanoisme. |
Trong 25 năm qua, Hanoisme là cầu nối giữa các sở, ngành, phổ biến các chính sách, nghị định của Chính phủ và Nhà nước nhanh nhất đến các doanh nghiệp. Xin ông cho biết, thời gian tới, Hanoisme có kế hoạch và chiến lược gì để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội?
Từ ngày 28-31/5, Hiệp hội phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt và trưng bày, giới thiệu sản phẩm Tp. Hà Nội năm 2020 tại nhà Bát Giác khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ, gồm 48 gian hàng của các doanh nghiệp và nhiều ngành nghề phong phú.
Chương trình tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp Thủ đô, thông qua đó, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trao đổi ký kết các thỏa thuận hợp tác có giá trị, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung - cầu; tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.
Việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa đất nước. Hanoisme trong những năm tới có định hướng như thế nào trong việc hỗ trợ phát triển văn hóa doanh nghiệp, thưa ông?
Hanoisme sẽ tiếp tục định hướng cho doanh nghiệp phát triển văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển con người, bởi chính con người là chủ thể quyết định văn hóa doanh nghiệp.
Xin cảm ơn Ông