Ông Antony Blinken, ứng viên được Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden bổ nhiệm làm Ngoại trưởng của chính quyền mới đã có buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Phát biểu trước các Thượng nghị sĩ, ông Blinken khẳng định, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những thách thức lớn, thậm chí với quốc gia hùng mạnh như Mỹ. Ông kêu gọi làm hồi sinh các liên minh cốt lõi nhằm nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, cũng như thúc đẩy xây dựng một mặt trận thống nhất để ứng phó với các thách thức và mối đe dọa.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Blinken cho biết, về cơ bản, ông đồng tình với cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump dù không đồng ý với cách thức thực hiện của chính quyền đương nhiệm trong một số lĩnh vực.
Trong khi đó, đối với vấn đề Triều Tiên, ông tuyên bố chính quyền mới sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận để tìm ra các biện pháp tăng cường sức ép với quốc gia Đông Bắc Á này nhằm buộc Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán về vũ khí hạt nhân.
"Đây là một vấn đề nan giải, tồn đọng từ chính quyền này sang chính quyền kia và nó là một vấn đề không chuyển biến tốt hơn, thực tế nó còn tồi tệ hơn", ông Blinken cho hay.
Bên cạnh đó, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ nói thêm: "Chúng tôi muốn chắc chắn rằng bất cứ việc gì chúng tôi là, chúng tôi đều chú ý tới cả sự cân bằng về khía cạnh nhân đạo, không chỉ khía cạnh an ninh".
Ngoại trưởng được Tổng thống đắc cử Biden đề cử cũng cho biết, chính quyền Mỹ sắp tới sẽ tìm cách gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được ký với Nga, theo lộ trình sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2 tới.
Về vấn đề Iran, ông Blinken cho hay, chính quyền của Tổng thống đắc cử Biden sẽ đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran nếu nước CH Hồi giáo tuân thủ các điều khoản trong văn kiện này.
Tuy nhiên, Washington, cùng với các đồng minh và đối tác, sẽ tận dụng thỏa thuận này như một nền tảng để tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài và mạnh mẽ hơn. Một thỏa thuận mới có thể giải quyết "những hành động gây bất ổn" của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa của quốc gia Hồi giáo này.
Về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Blinken cho biết, chính quyền mới sẽ không xét lại quyết định gây tranh cãi của chính quyền đương nhiệm về việc coi Jerusalem là thủ đô của Israel, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đặt Đại sứ quán tại Jerusalem.
Tuy nhiên, chính quyền mới ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại và coi đây là lối thoát cho cuộc xung đột hiện nay.
Mặc dù vậy, ông Blinken cho rằng, giải pháp này sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực trong ngắn hạn, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.
Về vấn đề Houthi ở Yemen, ông Blinken cho biết, sẽ ngay lập tức xem xét lại việc liệt lực lượng này vào "danh sách các nhóm khủng bố", cho rằng điều này gây cản trở nỗ lực thúc đẩy lực lượng này quay trở lại bàn đàm phán cũng như gây khó khắn hơn cho công tác viện trợ nhân đạo tại quốc gia nghèo khó này.
* Trong khi đó, cùng ngày, Tướng 4 sao về hưu Lloyd Austin, người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, khi chính thức được công nhận, ông sẽ xem xét lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông nhằm "đảm bảo sự cân bằng để ứng phó với hàng loạt thách thức ở khu vực này, bao gồm Nga và Trung Quốc".
Ông Austin cũng cho biết, sẽ xem xét lại quyết định rút số lượng lớn binh sĩ Mỹ khỏi Đức của chính quyền Tổng thống Trump. Ngoài ra, ông Austin cũng bày tỏ ủng hộ chính sách của Mỹ cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine.
Ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Nga ở Bắc Cực song bày tỏ quan ngại về vấn đề tăng cường quân sự ở khu vực này.
Ông Austin ủng hộ việc tăng cường phát triển khả năng đánh chặn của các tên lửa siêu thanh cũng như vai trò của Hiệp ước New START trong lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Đối với quan hệ với Trung Quốc, ông Austin cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ vị thế cạnh tranh nhưng khoảng cách giữa hai nước đang dần được thu hẹp.