Các vệ tinh mới, cùng có trọng lượng 715kg, đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Ariane 5 vào lúc 18 giờ 36 (giờ GMT) từ Trung tâm Vũ trụ Kourou ở vùng Guiana thuộc Pháp.
Các vệ tinh này được đặt trên quỹ đạo ở độ cao 23.000km so với Trái đất và sẽ bắt đầu triển khai hoạt động 4 giờ sau khi được phóng.
Hình đồ họa vệ tinh Galileo. (Nguồn: Courtesy) |
Galileo là hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) do Liên minh châu Âu (EU) xây dựng và được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với châu Âu. Khác với các hệ thống định vị GPS của Mỹ và GLONASS của Nga, Galileo là hệ thống định vị do các tổ chức dân sự quản lý.
Sau khi hoàn tất triển khai, Galileo sẽ có 30 vệ tinh (trong đó 27 vệ tinh hoạt động chính và 3 vệ tinh dự phòng), phân bố trên 3 mặt chính với góc nghiêng 56 độ. Tuổi thọ thiết kế của các vệ tinh là hơn 12 năm.
Theo các chuyên gia vũ trụ, hệ thống Galileo có thể xác định chính xác vị trí trên Trái đất với sai số trong vòng một mét, trong khi các hệ thống GPS và GLONASS có mức sai số là vài mét.
Ủy ban châu Âu (EC) chịu trách nhiệm chung về dự án hệ thống định vị Galileo, trong đó có việc quản lý và giám sát thực hiện mọi hoạt động. Tuy nhiên, việc triển khai, thiết kế và phát triển cơ sở hạ tầng được ủy thác cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Dự kiến sẽ tiếp tục có 4 vệ tinh nữa thuộc hệ thống định vị Galileo được phóng lên quỹ đạo vào tháng 7/2018.