📞

Hết tháng 8 đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu

14:15 | 27/10/2016
Tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Đây là thông tin đã được đưa ra tại hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ”, ngày 26/10, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tại Hà Nội.

Hiện nay, nợ xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến cả nền kinh tế. Xử lý nợ xấu là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để có thể khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển.

Để xử lý nợ xấu, NHNN đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam” tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013.

Từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, dưới sự chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đốn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...

Qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thu hồi nợ đạt kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại. Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” được tổ chức với mục đích trao đổi, thảo luận để xác định những vấn đề tồn tại là “nút thắt” trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và của VAMC; phân tích nguyên nhân của những vấn đề tồn tại đó; chia sẻ những tình huống thực tế để có được góc nhìn đầy đủ, toàn diện trong xử lý nợ xấu.

Các đại biểu chủ trì Hội nghị. Nguồn: dangcongsan

Hơn nữa, đây cũng là diễn đàn để các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cùng phân tích, đánh giá và đưa ra cách nhìn nhận đầy đủ, nhất quán trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Qua Hội thảo, các đại biểu thống nhất đưa ra các giải pháp để xử lý nợ xấu được triệt để, hiệu quả theo hướng tiếp tục xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt. Đặc biệt là việc hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản.

Các đại biểu cũng kiến nghị cần nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu. VAMC có thể chủ động quyết định trong việc cơ cấu lại nợ, bán nợ/TSBĐ mà không phải trao đổi để thống nhất với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có nợ xấu.

Ngoài ra, xử lý nợ xấu cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực để đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng. Các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hóa trên cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch.