Những vùng đất cằn cỗi ở phía trên nhưng lại giàu có khoáng sản ở phía dưới ở Afghanistan. |
Mỏ khoáng sản quý hiếm gồm vàng, đồng, sắt, coban, lithium… trị giá khoảng 1.000 tỷ USD vừa đã được phát hiện tại Afghanistan. Nhưng chưa chắc đây đã là tin tốt lành đối với đất nước Nam Á nghèo khó và bị chiến tranh tàn phá.
Theo ước tính của Washington, giá trị của các mỏ tài nguyên nằm rải rác khắp Afghanistan mới được phát hiện vượt xa quy mô của nền kinh tế nước này - hiện vẫn chỉ dựa vào sản xuất thuốc phiện cùng viện trợ từ Mỹ và các nước phát triển. GDP hàng năm của nước này mới chỉ ở mức khiêm tốn 12 tỉ USD. Các giới chức Mỹ tin rằng trữ lượng lớn khoảng sản quý đó có thể "làm thay đổi một cách cơ bản" nền kinh tế Afghanistan và có lẽ cả cuộc chiến Afghanistan. Thậm chí Afghanistan có thể trở thành một trong những "trung tâm khai mỏ quan trọng nhất trên thế giới". Báo cáo của Lầu Năm Góc còn cho hay với tiềm năng về lithium chẳng kém gì nhà cung cấp lớn nhất thế giới hiện nay - Bolivia, Afghanistan sẽ là "Saudi Arabia về lithium". Xin nhắc lại rằng, lithium là một nguồn quặng mà cả thế giới đều đang rất muốn có, nó được coi là "nguồn dầu mỏ mới của thế kỷ 21". Đây là nguyên liệu chính trong việc sản xuất pin cho điện thoại di động và máy tính xách tay.
Khi nhìn vào các quốc gia như Botswana, đất nước giàu kim cương đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Phi trong nhiều thập kỷ, và Chile - nhà sản xuất một phần ba đồng của thế giới - đồng thời là một trong những nền kinh tế giàu có và thành công nhất Mỹ Latinh, người Afghanistan có lý do để tin rằng, nguồn tài nguyên mới được phát hiện sẽ mang lại sự thịnh vượng cho họ. "Đây sẽ là xương sống của nền kinh tế Afghanistan" - Jalil Jumriany, cố vấn Bộ Khai thác mỏ Afghanistan, tin tưởng.
Những người lạc quan còn cho rằng, ngay cả khi nguồn khoáng sản dồi dào làm tăng tham nhũng thì nó cũng có thể giúp thúc đẩy hòa bình. Một lý do khiến các nước nghèo rất dễ bị xảy ra các cuộc nổi loạn là việc nông dân nghèo khổ gia nhập phiến quân như một cách để kiếm sống. Khi mà người dân kiếm được khoản tiền lớn hơn, các nghiên cứu cho thấy, phiến quân gặp khó khăn hơn trong việc tuyển dụng và điều này sẽ góp phần giảm bạo lực. Bởi vậy, sự bùng nổ trong khai thác tài nguyên có thể tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút những người đang chiến đấu cho Taliban.
Thế nhưng, trái với thái độ lạc quan và niềm tin ấy, cố vấn cấp cao về an ninh quốc gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) - ông R. Ebel - tỏ ra lo ngại và cảnh báo: mỏ khoáng sản mới phát hiện có thể là "một tổ ong bò vẽ". Chính các quan chức Mỹ cũng thừa nhận các mỏ mới có thể là "con dao hai lưỡi". Vựa khoáng sản này có thể kích thích Taliban chống đối mạnh mẽ hơn nhằm tìm cách giành lại quyền kiểm soát Afghanistan và các khu mỏ để kiếm lợi.
Cụm từ "kim cương máu" từng xuất hiện để chỉ loại đá quý khai thác ở những vùng xung đột. Liệu cuộc chiến khoáng sản có khiến "kim cương máu" trở lại tại Afghanistan? Sự ốm yếu về kinh tế và những bất ổn chính trị càng thêm lý do khiến người ta lo ngại rằng, đất nước Nam Á phải chịu số phận bi đát không thể tránh khỏi: rơi vào cái mà các học giả gọi là "lời nguyền tài nguyên" - ám chí rằng sự giàu có về tài nguyên thường tạo ra nhiều vấn đề hơn là những gì mà nó mang lại. Theo các nhà phân tích, nguồn tài nguyên mới có nguy cơ làm sâu sắc thêm mâu thuẫn sắc tộc tồn tại từ bao đời nay ở Afghanistan. Mặt khác, miếng bánh béo bở mang tên tài nguyên có thể làm gia tăng cạnh tranh giữa một số quốc gia trong khu vực nhằm tìm kiếm quyền khai thác.
Bên cạnh đó, nhiều người còn lo ngại, tham nhũng và quản lý thiếu hiệu quả của chính phủ sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí một phần lớn tài nguyên. Hàng tỷ USD đã mất tích từ kho bạc của Angola, Cameroon, Conggo, Nigeria và một số nước châu Phi khác vốn giàu có về khoáng sản nhưng quản lý yếu kém và không hiệu quả. Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (Đại học California, Los Angeles), Giáo sư Michael L. Ross, những dự án khai thác mỏ lớn có thể mất nhiều năm - đôi khi hơn một thập kỷ - để phát triển ngay cả trong điều kiện hòa bình. Huống hồ, nhiều trong số những mỏ mới tìm thấy ở các khu mà chủ yếu do Taliban kiểm soát và có cơ sở hạ tầng yếu kém. Do đó, Afghanistan có một chặng đường dài để đi trước khi nước này có thể tận dụng lợi thế của sự giàu có về tài nguyên.
Tiến Minh