📞

Hiểm họa với NATO sau khi Mỹ rời Hiệp ước Bầu trời Mở

Lê Ngọc 11:09 | 16/04/2021
Phương Tây cho rằng, quyết định chuyển số lượng lớn binh sĩ tới biên giới sát Ukraine của Tổng thống Nga V. Putin cho thấy sai lầm của Mỹ liên quan đến việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hiệp ước Bầu trời Mở là một trong những biện pháp minh bạch quân sự và củng cố lòng tin. (Nguồn: U. S Air Forces)

Các chuyên gia quân sự phương Tây tiếp tục thảo luận về chủ đề Nga điều quân tới sát biên giới với Ukraine. Các chính trị gia phương Tây cũng đã nhiều lần tuyên bố “lo lắng” về tình hình di chuyển của quân đội Nga gần biên giới Ukraine, đòi hỏi việc rút quân của Nga “phải được kiểm soát”.

Trong cuộc điện đàm hôm 14/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thống nhất kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới phía Tây nước Nga với Ukraine.

Sáng kiến được đưa ra là thành lập một nhóm giám sát quốc tế, “theo dõi” số lượng binh sĩ Nga đã di chuyển khỏi biên giới với Ukraine và lượng quân còn ở lại.

Trước đó, phát biểu trong một hội thảo ở Severomorsk hôm 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lưu ý một thực tế là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tập trung lực lượng và khí tài quân sự lớn ở khu vực Biển Baltic và Biển Đen, gần biên giới Nga - khoảng 40.000 quân và 15.000 đơn vị thiết bị quân sự, bao gồm cả xe tăng, tên lửa phóng loạt, máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Bình luận về các tuyên bố của ông Shoigu, có ý kiến cho rằng “thứ nhất, NATO không có số lượng quân như vậy ở gần biên giới nước Nga; thứ hai, các lực lượng và phương tiện không gây ra mối đe dọa cho Nga, vì họ có mục tiêu là phòng thủ”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng cho rằng, có một logic thú vị (và mang tính truyền thống) của các nước phương Tây là nếu họ chuyển quân đến biên giới của Nga, thì đây là “hành động phòng thủ”. Nhưng nếu bất kỳ hoạt động di chuyển nào của quân đội Nga trên lãnh thổ của Nga, thì đây chắc chắn là mối hiểm họa; như trong một tài liệu nói, Nga “đang ngấm ngầm tiếp cận các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO”.

Đặc biệt, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (Open Skies Treaty - OST) khiến phương Tây không còn khả năng giám sát trực tiếp sự di chuyển của quân đội Nga ở biên giới phía Tây” và cho rằng "ông Putin đang khai thác sai lầm của Mỹ” liên quan đến việc rút khỏi Hiệp ước.

OST gồm 35 thành viên, có hiệu lực từ năm 2002, cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay giám sát phi vũ trang trên lãnh thổ của nhau để thu thập thông tin về các hoạt động quân sự, tính minh bạch trong lĩnh vực quân sự, cùng với Tài liệu Vienna về các biện pháp củng cố lòng tin và an ninh năm 2011, giúp theo dõi các cuộc tấn công quân sự hoặc cảnh báo về một cuộc tấn công bất ngờ.

Bằng cách cho phép tất cả các bên tham gia, bất kể quy mô, trực tiếp thu thập thông tin qua hình ảnh trên không về các lực lượng quân sự và các hoạt động liên quan, OST là một trong những nỗ lực quốc tế rộng lớn nhất cho đến nay nhằm hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện có hoặc trong tương lai, mở rộng khả năng ngăn chặn và quản lý các tình huống khủng hoảng.

Trong giai đoạn 2002-2016, Mỹ đã thực hiện 196 chuyến bay quan sát lãnh thổ Nga, ngoài quyền truy cập thông tin từ các chuyến bay quan sát do các đồng minh của Mỹ thực hiện ở Nga, lên tới hơn 500 chuyến bay kể từ năm 2002, trong khi Nga chỉ thực hiện 71 chuyến bay quan sát lãnh thổ Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 22/11/2020, Mỹ đã chính thức không còn là thành viên OST và động thái này được đánh giá là đã làm xói mòn nền tảng an ninh châu Âu, đe dọa lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ, cũng như tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới với những hậu quả khó tiên lượng.

Nhiều chính khách Mỹ và quốc tế cho rằng, việc Mỹ rút khỏi OST giống như "một cái tát" vào các đồng minh châu Âu. Trên trang Popular Mechanics, Kyle Mizokami nhận định, rút khỏi OST là một ý tưởng tồi, gây “tổn hại cho cả lợi ích an ninh của Mỹ và đồng minh”.

(theo topwar.ru và VOV.VN)