📞

Hiện thực hóa cơ hội - đừng chờ đợi ai

08:51 | 31/07/2014
Với mục đích thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng và đồng chủ trì phiên họp lần thứ sáu Ủy ban Hợp tác Việt Nam -Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/7-2/8. Nhân sự kiện này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng đã chia sẻ về những nét mới trong quan hệ hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida, Tokyo, ngày 18/3/2014.

Thưa Đại sứ, sau chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (3/2014) và nâng cấp khuôn khổ quan hệ thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, hai bên đã đạt được những kết quả cụ thể nào?

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là thực chất, không mang tính hình thức. Từ tình cảm của chính người dân hai nước dành cho nhau có thể thấy rõ điều đó. Các địa phương Việt Nam đều nói về đối tác Nhật Bản với tình cảm trân trọng và cảm phục sự nghiêm túc của người Nhật Bản. Ngược lại, phía Nhật Bản, từ các chính khách, lãnh đạo đến người dân đều bày tỏ sự tin cậy với các đối tác Việt Nam. Tôi cho rằng đó là cái chất, là sự khác biệt trong mối quan hệ, đó là kết quả cụ thể nhất.

Về chính trị, có người nói Việt Nam - Nhật Bản như những người bạn tự nhiên. Độ tin cậy thể hiện trong tất cả các tầng nấc, các hoạt động cụ thể. Trong câu chuyện Biển Đông, từ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Quốc hội, các Đảng phái chính trị, các Hiệp hội… đều lên tiếng phê phán việc làm đơn phương, không đúng luật pháp quốc tế, làm cho tình hình phức tạp thêm và kêu gọi kiềm chế. Họ ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam là giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế…

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng.
Về kinh tế, tiếp tục những bước tiến trên mọi lĩnh vực, đầu tư từ Nhật Bản vẫn đứng vị trí cao và ngày càng có những mối quan tâm lớn tới Việt Nam. Trong đó, quan hệ giữa địa phương - địa phương đang mở ra hướng hợp tác lớn. Nếu tiếp cận tốt, hai bên sẽ tạo nên những đột phá mới trong đầu tư, thương mại. Về lao động, ngoài hơn 10.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc/năm, số lưu học sinh Việt Nam học tập tại đây cũng đã lên khoảng 15-16.000, những cơ hội lớn khác từ đào tạo nguồn nhân lực, đến phái cử lao động sang Nhật Bản làm việc đang mở rộng. Nhật Bản hiện có nhu cầu khoảng 200.000 lao động nước ngoài/năm. Đây là cơ hội đáng kể nếu Việt Nam biết khai thác và chuẩn bị tốt. Sẽ phát sinh nhiều vấn đề cho Đại sứ quán, nhưng là vấn đề của sự phát triển, chúng tôi vui mừng đón nhận điều đó.

Về công nghệ, phía Nhật sẵn sàng chuyển giao những công nghệ tiên tiến về y tế, nông nghiệp... Đặc biệt, trong nông nghiệp, hai bên đang tìm kiếm những thỏa thuận để triển khai hợp tác một cách cụ thể.

Về văn hóa, trên nền tảng thực chất, tin cậy lẫn nhau, giao lưu văn hóa càng sâu, rộng đưa nhân dân hai nước càng gần nhau nhau hơn.

Đại sứ có thể nói cụ thể hơn về hợp tác nông nghiệp?

Ngày 26/6, Bộ trưởng Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản Haysashi Yoshimasa đã đến Việt Nam, cùng với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cụ thể hóa các nội dung hợp tác nông nghiệp được hai bên thống nhất thực hiện trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Hai bên sẽ gặp lại nhau để chốt lại những hướng có thể hợp tác cụ thể.

Gần đây, những vấn đề chi tiết đã được bàn tới, từ chuyện đánh bắt và chế biến cá ngừ như thế nào, tìm thị trường cá ngừ đại dương ở đâu, trồng rau sạch ra sao... cho đến những chuyện như hướng tới tổ chức các chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất Nhật - Việt để xuất khẩu, trong đó có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân.

Quả thanh long của Việt Nam đã chính thức được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Hiện đang có Chương trình hợp tác nghiên cứu bảo quản quả vải Việt Nam sau thu hoạch, nhằm tăng giá trị xuất khẩu, cũng không loại trừ khả năng quả vải sẽ được xuất sang Nhật Bản trong một ngày gần đây…

Hai bên đã hiểu nhau, giữa hai Bộ đã có ký kết cụ thể, tiếp theo sẽ là một hợp tác mang tầm chiến lược, trung hạn và dài hạn. Như vậy, từ chuyện dè dặt, thăm dò đã đi đến định hướng chính sách từ Bộ cho đến các địa phương. Các địa phương của hai nước bước đầu cũng đã có kết nối thực chất. Tôi nghĩ rằng, những dự án như thế sẽ thành công, cơ hội mới sẽ tăng lên mạnh mẽ, khi mọi việc đi vào thực chất, đầu tiếp nhận trong nước được tổ chức tốt, và quan trọng là đừng "đánh bóng".

Ta thường nói nhiều tới việc các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, vậy họ sẽ có lợi gì trong hợp tác này, thưa Đại sứ?

Trước đây, chúng ta thường nói đến chiều Việt Nam được lợi gì trong những dự án hợp tác đầu tư từ Nhật Bản, nhưng thực chất việc đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Chẳng hạn trong câu chuyện về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản không thể đứng ngoài TPP, nhưng vấn đề nhạy cảm nhất của họ là nông nghiệp. Nếu đã tham gia TPP, tức là Nhật Bản sẽ phải mở cửa thị trường nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản sẽ phải bỏ trợ cấp, điều đó đồng nghĩa với việc nền nông nghiệp Nhật Bản tê liệt. Như vậy, việc tham gia TPP đặt nền nông nghiệp Nhật Bản phải có những thay đổi lớn, đặc biệt trong việc giảm giá thành sản xuất.

Với thời tiết không thuận lợi, Nhật Bản phải chi phí rất nhiều cho việc sản xuất nông nghiệp. Nhưng khi hợp tác với Việt Nam, với vốn, công nghệ sản xuất hiện đại của Nhật Bản, kết hợp với tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng nông nghiệp lớn của Việt Nam, giá thành sản xuất sẽ giảm xuống nhiều chục phần trăm. Như vậy, cả hai bên sẽ đều có lợi.

Vậy các địa phương Việt Nam nên làm gì để đón được những cơ hội đang mở rộng từ các đối tác Nhật Bản?

Hiện nay, một số đơn vị đã có những tiếp cận với đối tác Nhật Bản nên bám sát vào những yêu cầu của phía đối tác, chuẩn bị sớm và nghiêm túc theo đúng với thỏa thuận với phía bạn. Những nơi đang mong muốn hợp tác thì cần đặt rõ nhu cầu cần hợp tác với phía bạn. Để hỗ trợ cho việc này, có thể trao đổi trực tiếp với các cơ quan như Bộ Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn, hoặc nếu cần tìm đối tác thì có thể trao đổi thẳng với Đại sứ quán và "đặt hàng" rõ ràng những yêu cầu cần hợp tác. Chúng tôi sẽ giới thiệu, thậm chí sẽ hướng dẫn cụ thể với từng địa phương, doanh nghiệp.

Theo Đại sứ phía Nhật Bản còn băn khoăn gì về các đối tác Việt Nam?

Hiện nay, các nước trong khu vực cạnh tranh nhau để tiếp cận Nhật Bản. Thái Lan, Indonesia hay Philippines đều có những cách làm hay… Nếu Việt Nam không chú ý đúng mức, họ hoàn toàn có thể quan tâm các đối tác khác sáng giá hơn. Đó là một thách thức lớn. Ngoài ra, môi trường an ninh khu vực cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.

Việc triển khai những thỏa thuận hợp tác đã ký kết được là rất quan trọng, cần đôn đốc cả trong và ngoài nước triển khai. Đã cam kết thì cần phải làm ngay tận nơi, đừng cam kết rồi để đấy. Người Nhật Bản rất tôn trọng chữ tín, nếu ta làm tốt thì mới có cơ hội tiếp theo.

Việc chạy đua hay cạnh tranh tự phát, dẫm chân lên nhau là việc cần tránh, bởi vậy, rất cần có sự điều phối. Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán cần đóng vai trò chủ đạo trong công tác này, để tạo nên những mối quan hệ thực chất, hiệu quả. Không nhất thiết lúc nào cũng phải là các tỉnh kết nghĩa, mà có thể là hợp tác theo từng mặt.

Ngoài ra, trong sự chuẩn bị của các địa phương cần có những ý tưởng rõ ràng hơn, phải có sự chuẩn bị về đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng… Có những yếu tố Nhà nước có thể hỗ trợ, nhưng có phần địa phương, doanh nghiệp phải chủ động. Cơ hội có, nhưng không thể dài mãi, việc biến cơ hội thành hiện thực là từ hai phía, nhưng phải bắt đầu từ chính chúng ta, đừng chờ đợi ai cả.

Ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida?

Bộ trưởng Fumio Kishida là người rất yêu quý Việt Nam. Việt Nam - Nhật Bản hiện đang có mối quan hệ toàn diện, đa chiều, tin cậy, kể cả với tình cảm cá nhân hay với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao, tôi tin rằng chuyến thăm này của ông sẽ có những kết quả cụ thể mà hai bên đều trông đợi.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thanh Trúc (thực hiện)

Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản kể từ phiên họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 vào năm 2013 đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã nâng cấp khuôn khổ quan hệ thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (3/2014).

Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (10/2011). Đến nay, Nhật Bản là đối tác ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 1 và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 24 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 10,7 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6 tỷ USD (tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013). Về đầu tư trực tiếp, năm 2013, FDI Nhật Bản dẫn đầu trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm gần 5,8 tỷ USD. Tính đến ngày 20/5/2014, Nhật Bản có 2.288 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 35,6 tỷ USD. Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lao động, du lịch, văn hóa thông tin, giáo dục đào tạo và hợp tác địa phương cũng phát triển mạnh mẽ.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ 31/7-2/8, theo chương trình dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida sẽ chào xã giao Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ; Đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban hợp tác Việt-Nhật; Ký kết Công hàm trao đổi khoản viện trợ phi dự án; Thăm khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc.