Đó là thông tin được ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan trả lời phỏng vấn riêng Báo TG&VN bên lề Hội thảo "Xây dựng Lộ trình thực hiện cam kết nhóm B, C của Hiệp định TFA của WTO" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải Quan. (Ảnh: DL) |
Tháng 11/2015, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 60 phê chuẩn Hiệp định TFA và tính đến 31/10/2016 đã có 96 thành viên WTO phê chuẩn Hiệp định TFA. Hiệp định TFA dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017 và các cam kết của Hiệp định TFA được chia thành các nhóm A, B và C.
TFA với nội dung bao trùm các vấn đề về hải quan nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện. Hiệp định TFA hứa hẹn tạo ra một động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên WTO.
Theo dự kiến, Hiệp định sẽ có hiệu lực trong đầu năm 2017. Vậy, ông có thể khái quát về vai trò của TFA với cộng đồng doanh nghiệp?
Đây là một Hiệp định rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, giúp giảm thời gian và chi phí cho các giao dịch thương mại qua biên giới. Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng thế giới thì việc thực hiện Hiệp định TFA sẽ giúp giảm 20% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư và tạo công ăn việc làm cho nguồn nhân lực Việt Nam.
Với những lợi ích và hiệu quả rõ rệt mà Hiệp định TFA mang lại, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm của mình thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động cũng như việc thành lập Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Một cửa và Tạo thuận lợi thương mại. Việt Nam cũng đã chứng tỏ mình là quốc gia chủ động và tích cực trong hợp tác hội nhập quốc tế, thể hiện mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp theo đúng mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Các cam kết của Hiệp định được chia thành các nhóm A, B, và C. Xin ông cho biết cụ thể hơn về các phân nhóm này?
TFA phân thành các nhóm A, B, C. Theo đó, mỗi nước sẽ phân loại các điều khoản dựa vào khả năng có thể thực thi của mỗi điều khoản, trong đó, nhóm A là thực thi vào ngày Hiệp định có hiệu lực; nhóm B là Hiệp định có hiệu lực cộng với thời gian mỗi nước thành viên tự thực thi và nhóm C là thực thi sau khi được hỗ trợ về kỹ thuật và xây dựng năng lực.
Việt Nam đã thông qua 15 cam kết nhóm A của mình lên WTO nhằm xác định những cam kết mà sẽ được thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Cụ thể, kế hoạch hành động bao gồm chi tiết về: các nhiệm vụ cần phải làm, các mục tiêu và đầu ra chi tiết cho từng cam kết, khoảng thời gian chuyển đổi, nhu cầu hỗ trợ cần thiết, nhiệm vụ của từng cơ quan có liên quan, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành. Sau đó, kế hoạch được trình Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Một cửa và Tạo thuận lợi thương mại. Kế hoạch thực hiện dự kiến các cam kết nhóm B và C sẽ được thông báo cho Ban thư ký WTO khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN, đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư ở Việt Nam.
Hội nghị lần này nhằm xây dựng kế hoạch. Nhưng kế hoạch đó sẽ triển khai từ đâu và như thế nào?
Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về Một cửa và Tạo thuận lợi thương mại cũng đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành về vấn đề này. Trước hết là việc rà soát lại các văn bản, văn bản nào hiện nay không còn phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung. Hai nữa là phải xây dựng tổ chức thực hiện, mua sắm trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công việc này.
Ví dụ như hoạt động kiểm tra chuyên ngành để phục vụ cho các hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hay kiểm dịch động vật thì rõ ràng phải có các trang thiết bị phù hợp. Hay ví dụ thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thì cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để xây dựng các chương trình quản lý và điện tử hóa, số hóa các văn bản chứng từ, các giấy phép.
Trên cơ sở đó chúng ta có thể cải tiến được thủ tục hành chính, giảm bớt được thời gian liên quan giữa các hoạt động quản lý chuyên ngành và hoạt động hải quan.
Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động hải quan là một trong những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định TFA. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Có vẻ như cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như các nhà quản lý chưa thực sự chú ý tới TFA này, xin ông cho biết kế hoạch cụ thể để tăng tính hiệu quả của TFA?
Với vai trò cơ quan thường trực, Tổng cục Hải quan đã và đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các cam kết liên quan tới lĩnh vực hải quan. Đơn cử, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có liên quan rất nhiều đến hàng hoá xuất nhập khẩu như: kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, các cam kết còn liên quan tới các dịch vụ logistics ở đường bộ, đường biển… để làm sao tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan cũng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan tới các cam kết Nhóm B và C. Theo đó, rà soát các cam kết mà Tổng cục Hải quan có thể triển khai được và đưa ra cam kết với WTO, từ đó làm cho hoạt động kinh doanh đơn giản, thuận lợi hơn và hỗ trợ tích cực cho DN trong sản xuất kinh doanh.
Những thay đổi này thì cộng đồng DN đã được hưởng lợi từ lâu. Song để việc thực thi TFA thật sự đem lại hiệu quả, thì DN và Nhà nước phải cùng làm. Với sự tham gia của hơn 50 cơ quan trung ương và ban ngành chúng ta có thể kỳ vọng được sự chuyển biến thành hành động ngay sau hội thảo lần này.
Nhằm tăng cường thông tin và sự tham gia của các hiệp hội, DN vào quá trình thực thi TFA, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tiến hành hàng loạt các hoạt động về TFA cho DN như phối hợp với USAID tổ chức các hội thảo phổ biến TFA cho các DN Việt Nam, phối hợp cùng Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát pháp luật Việt Nam so với TFA.
Hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư như vậy, TFA sẽ là một sức ép, một cú huých thực sự cho việc cải cách thủ tục hải quan triệt để của Việt Nam, tạo thuận lợi cho các DN tận dụng hiệu quả các lợi ích từ thương mại quốc tế, đặc biệt từ các cam kết mở cửa thương mại tự do sắp tới.
Khi có hiệu lực thì các cam kết của hiệp định sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như thế nào?
Những cam kết nhóm A, nhóm B, nhóm C có liên quan đến việc chỉ ra những cam kết: thứ nhất là những cam kết nào chúng ta có thể tự tổ chức thực hiện được, những cam kết nào cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Trên cơ sở chỉ ra như thế, chúng ta sẽ có được sự hỗ trợ của các đối tác trong Tổ chức Thương mại Thế giới.
Khi Việt Nam triển khai được những hoạt động như vậy thì rõ ràng cải thiện được môi trường đầu tư, làm cho môi trường hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư trở nên minh bạch hơn, đơn giản hơn, giảm được nhiều thời gian cho các doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động đầu tư cũng như là các hoạt động xuất nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!