Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng, Moscow đã đưa ra lời giải thích với Washington về việc đình chỉ Hiệp ước New START. (Nguồn: TASS) |
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, những ngày gần đây, hai nước đã thảo luận các vấn đề liên quan New START thông qua “các kênh kín” và phía Mỹ đã hỏi chi tiết về việc Nga đình chỉ hiệp ước.
Ông Ryabkov cho hay, vào ngày 28/2, Nga đã trao cho Đại sứ Mỹ tại Moscow "Tôi hy vọng chúng tôi đã đưa ra những lời giải thích thấu đáo".
Trước đó, hôm 27/2, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố, để khôi phục toàn diện Hiệp ước New START, Mỹ phải "xem xét lại chính sách thù địch chống Nga". Song, cho đến nay, Moscow thấy Mỹ "chưa sẵn sàng ngay cả với những cử chỉ tích cực mang tính biểu tượng".
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow ngừng tham gia New START, đồng thời cáo buộc Mỹ đang tìm cách gây ra “thất bại chiến lược” cho Nga ở Ukraine. Ông Putin đã ký ban hành luật đình chỉ tham gia hiệp ước nói trên hôm 28/2.
Hiệp ước New START được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama ký năm 2010 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011 trong khoảng thời gian 10 năm, sau đó được gia hạn đến năm 2026.
Hai nước cam kết cắt giảm kho vũ khí chiến lược xuống không quá 1.550 vũ khí hạt nhân sẵn sàng sử dụng; 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược đã được triển khai; 800 bệ phóng ICBM, SLBM và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai.
Nga-Mỹ cũng thống nhất giám sát lẫn nhau tại các căn cứ ICBM, tàu ngầm và căn cứ không quân.
Trong khi đó, cũng trong ngày 1/3, phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị ở Geneva (Thụy Sỹ), Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi tuyên bố, cần phải thảo luận về phiên bản tiếp theo của New START sau năm 2026.
Kazakhstan, với tư cách là "người ủng hộ trung thành" việc giải trừ vũ khí hạt nhân, cho rằng: "Điều quan trọng nữa là 5 cường quốc hạt nhân cần thể hiện cam kết chắc chắn đối với tuyên bố chung được thông qua vào tháng 1/2022 về không thể chấp nhận chiến tranh hạt nhân”.
Theo Ngoại trưởng Tileuberdi, tình hình trên thế giới đã trở nên nguy hiểm hơn trong năm vừa qua. Cuộc xung đột Ukraine, kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, những lời đe doạ về leo thang hạt nhân và thiếu đi sự đối thoại giữa các bên đang đưa thế giới vận động theo một xu hướng nguy hiểm.
Tại Hội nghị lần này, những người tham gia đặc biệt quan tâm đến sáng kiến của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev về việc thành lập một cơ quan quốc tế về an toàn sinh học, với vai trò là cơ quan chấp hành Công ước Cấm vũ khí sinh học và độc tố, cũng như chú trọng đến nhu cầu của các nước đang phát triển.