📞

Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia: Đóa hoa tình hữu nghị

10:57 | 28/08/2008
Việc ký Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia ngày 26/8 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự hội tụ về niềm tin, lòng quyết tâm, cũng như tinh thần đoàn kết hữu nghị của Chính phủ và nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào trong thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ.

Bộ trưởng cao cấp Campuchia Var Kim Hong nhấn mạnh đây là Hiệp ước được ký giữa ba nước độc lập, có chủ quyền, không có bất kỳ sự can thiệp hoặc sức ép nào từ bên ngoài.

 

Lịch sử: Chưa được xác định

 

T

Tiến trình giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam - Lào – Campuchia

 

-  Năm 2007: Ba bên đặt vấn đề giải quyết điểm ngã ba biên giới giữa ba nước.

-  Từ ngày 12 - 15/6/2007: Họp vòng I cấp chuyên viên tại TP. HCM để thống nhất các vấn đề về pháp lý, kỹ thuật và tài chính trong việc giải quyết vị trí ngã ba biên giới giữa ba nước.

-  Từ ngày 27 - 31/7/2007: Khảo sát ba bên tại thực địa để thống nhất xác định vị trí cắm mốc.

-  Từ ngày 29-31/8/2007: Họp vòng II cấp chuyên viên tại Phnom Penh (Campuchia) để thống nhất các nội dung phục vụ công tác cắm mốc trên thực địa. Ba bên nhất trí uỷ nhiệm tỉnh Kon Tum (Việt Nam) tiến hành thi công xây dựng mốc, dưới sự giám sát chặt chẽ của chuyên gia ba nước.

-  Ngày 18/1/2008: Nghiệm thu và khánh thành mốc ngã ba biên giới trên thực địa.

- Từ ngày 18 - 22/02/2008: Họp vòng III cấp chuyên viên tại Vientiane (Lào) để thống nhất lần cuối dự thảo “Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào”, báo cáo Chính phủ mỗi bên.

-  Ngày 26/8/2008, Hiệp ước đã được các đại diện có thẩm quyền của ba nước ký chính thức tại Hà Nội. 

rong thời kỳ Pháp thuộc, ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, vốn miêu tả là nơi mà “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”, chưa bao giờ được quy định trong một văn bản chính thức. Người Pháp cũng chưa từng đặt vấn đề xác định tọa độ chính xác của giao điểm ngã ba và chưa tiến hành phân giới cắm mốc khu vực này.

 

Sau khi giành được độc lập, ba nước đã thống nhất giải quyết vấn đề biên giới do lịch sử để lại theo nguyên tắc của luật quốc tế. Theo đó, các nước công nhận đường ranh giới hành chính do thực dân để lại vào thời điểm giành được độc lập là đường biên giới quốc tế. Các Hiệp ước về biên giới ký kết giữa ba nước đều lấy đường ranh giới hành chính do Pháp vẽ trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1:100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản vào năm 1954 và gần năm 1954 nhất làm căn cứ để giải quyết vấn đề biên giới.

 

Trong các Hiệp ước về biên giới ký kết giữa các nước, vị trí ngã ba biên giới cũng chưa được xác định cụ thể. Một lý do đơn giản là nó chỉ được xác định khi có sự thống nhất chung của ba nước, một bên hoặc hai bên không có quyền đơn phương hoặc song phương xác định vị trí này.

 

Hiện tại: Đồng lòng xây biên giới hòa bình

                

Tiến trình phân giới cắm mốc, nhu cầu cùng nhau xây dựng, bảo vệ và quản lý đường biên giới chung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, phục vụ tích cực cho Chương trình Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ba nước nhất trí thỏa thuận và tạo điều kiện chín muồi để ba nước hợp tác xác định giao điểm của ba đường biên giới Việt Nam -Lào, Việt Nam -Campuchia và Lào – Campuchia.

 

Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt – Lào – Campuchia được xây dựng trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, chính xác, đáp ứng yêu cầu xác định giao điểm đường biên giới ba nước rõ ràng, dễ nhận biết, thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, đồng thời không làm thay đổi đường biên giới quốc gia được xác định theo các Hiệp ước biên giới hiện hành giữa ba nước.

 

Tương lai: Phát triển kinh tế vùng biên

 

Thứ trưởng Ngoại giao Lào Phongsavat Boupha khẳng định đây là biểu tượng ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của ba nước, là cống hiến cụ thể thực hiện Chương trình Tam giác phát triển đã được ba Thủ tướng thỏa thuận, nhằm biến vùng biên giới nghèo nàn, lạc hậu giữa ba nước thành một khu vực phát triển về kinh tế - văn hoá – xã hội, hợp tác và ổn định.

 

Công trình mốc ngã ba biên giới đã được hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng tốt, thể hiện chính xác vị trí ngã ba biên giới, vững chắc, khang trang, dễ nhận biết và thuận lợi cho công tác quản lý biên giới lâu dài và là một điểm du lịch tiềm năng cho nhân dân ba nước và khách quốc tế tham quan.

 

Hiệp ước được ký và phê chuẩn sẽ là động lực thúc đẩy ba nước nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ còn tồn tại, nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ba nước; tạo điều kiện cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Biên giới Việt Nam – Campuchia

 

Biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam (từ Kon Tum đến Kiên Giang) và 10 tỉnh biên giới của Campuchia.

 

Trong những năm 1980, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành đàm phán và ký kết 3 văn bản quan trọng liên quan đến biên giới trên đất liền, đó là Hiệp ước nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CH XHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ngày 20/7/1983; Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia ngày 20/7/1983; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ngày 27/12/1985. Từ năm 1986 hai bên tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa. Trong thời gian 1986-1988, hai bên đã phân giới được hơn 200/1.137 km đường biên giới và cắm được 72/322 cột mốc. Năm 1989, do nội bộ phía Campuchia có khó khăn nên công tác phân giới cắm mốc tạm dừng lại. 

 

Ngày 10/10/2005, Chính phủ hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985. Theo đó, hai bên dự kiến cắm trên toàn tuyến biên giới hai nước tổng số 314 vị trí mốc (373 cột mốc).

 

Ngày 27/9/2006, hai bên khánh thành cột mốc đầu tiên số 171 tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Ba Vẹt, chính thức khởi động lại tiến trình phân giới cắm mốc trên toàn tuyến. Chính phủ hai nước đã thỏa thuận hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia vào năm 2012.

 

B.N

Biên giới Việt Nam – Lào

 

Biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.340 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum) và 10 tỉnh của Lào (Phông Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sa La Van, Xê Kong, Ắt Ta Pư).

 

Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới và ngày 24/01/1986 ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định. Trong giai đoạn 1978 - 1987, hai bên đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, đã phân giới được khoảng 1.877 km đường biên giới.

 

Từ năm 1996-2003, hai bên đã hoàn thành bộ bản đồ điện tử đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000, đồng thời đã tiến hành phân giới trên thực địa 19/20 đoạn biên giới còn tồn đọng và giải quyết toàn bộ các mâu thuẫn, sai lệch về đường biên, mốc giới.

 

Tuy nhiên, hệ thống mốc giới hai nước được xây dựng những năm không còn thích hợp với điều kiện phát triển, mật độ thưa, 40km mới có một cột mốc. Năm 2004 hai bên phối hợp xây dựng “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”. Năm 2007, Dự án đã được hai Chính phủ thông qua với tổng số mốc tăng dày và tôn tạo là 792 vị trí (826 cột mốc), bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2014. 

 

N.P

 

TS. Nguyễn Hồng Thao(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao)