📞

Hiểu cam kết kinh tế phi thị trường: Phòng bị kiện bán phá giá

14:43 | 18/08/2008
Tuy không dồn dập bị kiện bán phá giá (BPG) như 5, 7 năm trước, nhưng nguy cơ gia tăng về số vụ bị kiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (VN). Theo TS Adam McCarty - Viện Nghiên cứu Kinh tế Mekong: “Ngay cả tư cách thành viên WTO cũng không thể giúp gì trực tiếp cho VN”. Vì ngoài ASEAN công nhận VN là nước có nền kinh tế thị trường, còn lại EU, Mỹ... vẫn xem VN là nền kinh tế phi thị trường.

WTO chỉ có thể phân xử các tranh chấp về chống BPG, nhưng do WTO không có một định nghĩa chính xác về nền kinh tế phi thị trường (KTPTT) nên hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết.

 

Thích nghi với cam kết

 

Lần đầu tiên vấn đề KTPTT của VN được đề cập khi Hoa Kỳ quyết định áp thuế chống BPG với cá da trơn nhập từ VN. Tiếp đó, các vụ kiện của EU, Canada, Hàn Quốc... liên quan BPG giày dép, bật lửa... cũng gắn với việc điều tra tính chất thị trường của nền kinh tế.  

 

Trên thực tế, cho tới thời điểm kết thúc đàm phán gia nhập WTO, VN khó tránh khỏi cam kết về quy chế kinh tế phi thị trường, bởi trước đó đã có tiền lệ Trung Quốc - một nền kinh tế có điều kiện tương đồng VN đã cam kết điều khoản về KTPTT trong Nghị định thư gia nhập.

 

Ngoài ra, khi gia nhập WTO, VN đã cam kết rất mạnh mẽ về cải cách chính sách tài chính - tiền tệ, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước... theo định hướng thị trường nên các thành viên WTO đều muốn duy trì tối đa các công cụ để có thể đảm bảo việc thực thi các cam kết này. Hơn nữa, với việc VN bị áp đặt quy chế KTPTT từ 1/1/2007 tới 31/12/2018, việc trao quy chế kinh tế thị trường trước thời hạn có thể được sử dụng như một công cụ mặc cả trong các vấn đề khác sau này.

 

Cam kết về nền kinh tế phi thị trường thực ra cũng không quá đáng sợ như người ta tưởng, nhưng có một thực tế đáng lo ngại hơn là, mặc dù nó mang lại những hậu quả khôn lường tới năng lực XK của các DN nhưng nhận thức về các vụ kiện chống BPG trong phần lớn các DN VN lại rất mơ hồ. Thậm chí có DN cho rằng, không cần thiết phải tham gia các vụ kiện bởi sẽ gây tốn kém, có DN lại nghĩ rằng, nếu VN đã là thành viên của WTO, các vụ kiện sẽ giảm đi, hàng hóa của VN sẽ được đối xử công bằng hơn và nếu bị kiện chống BPG sẽ được xem xét minh bạch hơn.

 

Vì thế, tự phòng vệ sớm và biết cách xử lý thế nào để hạn chế tối đa nhất mức thiệt hại khi chẳng may “lâm nạn” là biện pháp tốt nhất phòng chống bị kiện chống BPG. Nhưng muốn làm được điều đó cần hiểu thấu đáo cam kết của VN trong WTO về KTPTT.

 

Phi thị trường không hẳn “xấu”

 

Tất nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, KTPTT là bất hợp lý và đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của WTO. Nhưng trên một phương diện nào đó, cam kết trong WTO về KTPTT lại tốt đối với VN.

 

Lý do thứ nhất, không phụ thuộc việc VN có cam kết điều khoản về KTPTT trong WTO hay không, VN vẫn bị một số quốc gia coi là nền KTPTT với thời hạn không xác định. Cam kết trong WTO đưa ra thời hạn tối đa cho việc áp dụng quy chế này là 12 năm. Đồng thời, VN có cơ hội kết thúc sớm thời hạn này nếu chứng minh được tính chất thị trường của nền kinh tế, phù hợp các tiêu chí quy định trong nội luật của nước thành viên WTO.

 

Trong các vụ việc trước đây, Hoa Kỳ đã điều tra và kết luận tính chất phi thị trường của toàn bộ nền kinh tế VN, mặc dù các vụ kiện chỉ liên quan đến một ngành sản xuất nhất định. Tuy nhiên, theo cam kết trong WTO, nếu VN khẳng định được các điều kiện của kinh tế thị trường đã tồn tại trong một ngành cụ thể thì các quy định trong tiểu mục liên quan tới kinh tế chưa phải là kinh tế thị trường sẽ không còn áp dụng được cho ngành đó. Có nghĩa một số ngành kinh tế của VN có cơ hội chứng minh tính chất thị trường của mình ngay cả khi VN vẫn chịu quy chế phi thị trường. Đó là cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi vướng vào các vụ kiện phá giá.

VN đang trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường. Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trong quá trình này, nhưng có thể nói, không ít lĩnh vực của nền kinh tế VN còn bị ảnh hưởng của thời kỳ kinh tế tập trung. Vì vậy, cùng với việc đáp ứng các yêu cầu của một số nước thành viên về kinh tế thị trường, việc cải cách thể chế kinh tế thị trường cũng là yêu cầu khách quan, nội tại của nền kinh tế, là quyết tâm của Việt Nam.

 

Nguyễn Minh