Giá đô la Mỹ chợ đen ngày 21.7 ngay sau đó tăng vọt lên 17.200 – 17.500đ/USD sau khi đã xuống thấp hơn giá niêm yết của ngân hàng. Buổi chiều cùng ngày, ngân hàng Nhà nước đã ra khuyến cáo khẳng định hệ thống ngân hàng có đủ nguồn ngoại tệ để đáp ứng mọi nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, và khuyên người dân không nên vì yếu tố tâm lý mà đổ xô đi mua ngoại tệ, tránh thiệt hại không đáng có. Dù đã có trấn an từ ngân hàng Nhà nước, nhưng sáng ngày 22.7, một số nơi tiếp tục chào bán 17.800đ/USD do nhiều người tìm mua để dành phòng giá lên. Đến chiều, giá giảm xuống còn 16.680 – 16.800đ/USD.
Từ thị trường tiền tệ, đầu tư
Chủ cửa hàng KHV đường Lê Thánh Tôn, quận 1 cho biết, giá xăng tăng buổi sáng, đến chiều là khách hàng mua vàng, đô la tăng nhanh. Có những người đang có tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đến mua một vài lượng, hoặc một vài ngàn đô để dành vì e sợ tiền đồng sẽ bị mất giá. Bà chủ này nói rằng nhiều nhân viên văn phòng và những gia đình lao động tích cóp được chút vốn đến mua vàng, đô la đều tỏ ra lo lắng.
Như vậy là từ giữa tháng 6 đến 20.7, cùng với các biện pháp can thiệp đồng bộ của ngân hàng Nhà nước, tỷ giá mua bán đô la Mỹ mới xoay quanh mức 16.600 – 16.700đ/USD, phản ánh đúng tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Nhưng chỉ một ngày sau khi bộ Tài chính công bố tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì yếu tố tâm lý một lần nữa xuất hiện tác động đến tỷ giá.
Trên thị trường chứng khoán, nếu như phiên 18.7, VN–Index giảm được nhiều chuyên gia nhận định là sự điều chỉnh tất yếu của thị trường sau những phiên tăng liên tục, thì đến sau phiên 21.7 nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra thông tin chứng khoán giảm do nhà đầu tư lo ngại giá xăng tăng. Đến phiên 22.7, VN–Index tiếp tục tuột dốc mạnh còn 457,88 điểm (483,05 điểm hôm 18.7). Giá trị giao dịch hôm 22.7 cũng tụt hẳn chỉ còn 121 tỉ đồng so với 1.067 tỉ đồng hôm 18.7.
Đến hàng hoá
Ngay sau khi giá xăng tăng lên 19.000đ/lít, tâm lý lo ngại giá cả hàng hoá tiêu dùng sẽ tăng theo giá xăng dầu đã bắt đầu xuất hiện. Điều này thể hiện rõ qua lượng khách đến các siêu thị mua sắm đông nghẹt từ sau trưa ngày 21.7.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách đối ngoại hệ thống Big C cho biết: lượng khách đến siêu thị Big C Tô Hiến Thành tăng hơn 20% so những ngày đầu tuần trước đó. Những mặt hàng thông dụng, nhất là thực phẩm chế biến và nhu yếu phẩm được họ mua rất nhiều.
Ở hệ thống siêu thị Co.opmart, lượng khách mua sắm cũng đột ngột tăng khoảng 30%, theo thống kê của hệ thống siêu thị này.
Bà Nguyễn Thu Lan, nhà ở quận 8 thường có thói quen đi siêu thị đầu tuần vì lúc đó thường vắng khách, giúp bà khỏi xếp hàng khi thanh toán. Bà Lan kể: “Tôi quá ngạc nhiên khi thấy khách đi siêu thị đông như ngày nghỉ vậy”.
Phản ứng trước hiện tượng khách mua sắm tăng nhanh sau khi giá xăng tăng, ban tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.opmart đã gửi thông báo đến toàn bộ các siêu thị trong hệ thống, nêu rõ chỉ bán các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng thực sự, không bán sỉ và tuyệt đối không để hiện tượng gom hàng xảy ra. Bà Bùi Thị Hạnh Thu, phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op lý giải, tâm lý chính là yếu tố tác động mạnh nhất, vì khi xăng lên giá, theo những diễn biến từng xảy ra trước đây, tất yếu giá cả hàng hoá sẽ tăng.
Tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, vợ chồng bà Lê Phan Thu Tâm, ngụ ở quận 3 đã tranh thủ sau giờ làm việc vào siêu thị mua sắm. Họ cho biết: “Còn bao nhiêu tiền, chúng tôi vét hết mua các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên về để dành xài dần”.
Ở các cửa hàng, đã bắt đầu có khách mua hàng dự trữ. Ông Nguyễn Hùng, chủ cửa hàng bách hoá trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết: “Từ chiều ngày 21.7, khách đến mua sữa đông gấp đôi ngày thường. Họ chọn các loại chưa tăng giá như Vinamilk, Nutifood. Có lẽ họ sợ vài ngày tới các hãng sữa trong nước sẽ có cớ để tăng giá nên mua dự trữ”.
Ở một số đại lý bán gạo quanh chợ Hoà Bình quận 5, những gia đình gần đó liên tục điện thoại đặt hàng 10 – 15kg.
Mặc dù bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã đưa ra dự liệu, chỉ số CPI sẽ bị tác động trực tiếp từ giá xăng chỉ khoảng 0,5 – 0,7%. Nhưng những tác động gián tiếp như yếu tố tâm lý người dân thật khó đo lường, đòi hỏi chính quyền phải có nhiều giải pháp tạo niềm tin nơi người dân.
Theo SGTT