📞

Hình ảnh những tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đón tháng lễ Ramadan

Kha Ninh 19:53 | 06/04/2022
Hàng tỷ tín đồ trên thế giới đã đón tháng lễ Ramadan, một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo.
Tháng lễ Ramadan được xem là tháng lễ linh thiêng nhất đối với người Hồi giáo, sự kiện này bắt đầu vào thời điểm Trăng non đầu tháng thứ 9 của lịch Hồi giáo nên không có ngày cố định theo Dương lịch. Trong ảnh: Mọi người tập trung bên ngoài nhà thờ Jama Masjid trong khu phố cổ ở Delhi, Ấn Độ ăn bữa Iftar, bữa ăn của các tín đồ Hồi giáo sau khi Mặt Trời lặn trong tháng Ramadan, ngày 4/4. (Nguồn: Reuters)
Năm 2022, tháng Ramadan bắt đầu từ ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 1/5 (Dương lịch). Trong ảnh: Người phụ nữ đọc kinh Koran tại nhà thờ Jama Masjid trong khu phố cổ ở Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)
Hàng năm, những người theo đạo Hồi sẽ nhịn ăn, nhịn uống để thể hiện sự sám hối, để tha thứ và thanh tẩy tâm hồn. Trong ảnh: Người Hồi giáo thực hiện lễ cầu nguyện Tarawih trong đêm đầu tiên của tháng Ramadan ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: Reuters)
Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là "tháng nhịn ăn" hoặc "tháng ăn chay", nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, bởi vì các tín đồ Hồi giáo chỉ không ăn, uống, hút thuốc... trong khoảng thời gian tính từ khi Mặt Trời mọc cho đến khi Mặt Trời lặn. Trong ảnh: Hai người đàn ông thực hiện nghi thức “rukyah”, chờ Mặt Trăng của tháng mới trên bầu trời, để có thể tuyên bố bắt đầu tháng Ramadan, tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/4. (Nguồn: Reuters)
Người Hồi giáo trưởng thành và khỏe mạnh sẽ thực hiện nhịn ăn từ sáng cho đến tối. Trong suốt cả tháng lễ, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... (kể cả không sinh hoạt tình dục), từ lúc Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn. Trong ảnh: Những người phụ nữ Hồi giáo thực hiện lễ cầu nguyện Tarawih ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ, những người ốm, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú có thể không tuân theo luật lệ này, nếu việc ăn kiêng có hại cho sức khoẻ. Trong ảnh: Những người phụ nữ dâng lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo lớn Istiqlal, Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Ngoài ra, những tín đồ đang đi du lịch ở nước ngoài mà ở đó không coi Hồi giáo là quốc giáo cũng không cần nhịn ăn, nhưng họ sẽ nhịn bù sau đó. Tại một số quốc gia theo đạo Hồi còn có quy định: Học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn. Nhìn chung, không có nhiều sự khác biệt trong việc đón tháng lễ Ramadan giữa các quốc gia. Trong ảnh: Một người đàn ông cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Cut Meutia ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Trong tháng lễ linh thiêng này, các tín đồ Hồi giáo sẽ thức dậy từ sớm để ăn một bữa trước bình minh gọi là suhoor và sau khi Mặt Trời lặn, họ sẽ ăn một bữa tối “xả chay” được gọi là iftar, kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày. Trong ảnh: Mọi người cầu nguyện trước khi ăn bữa iftar trong một nhà thờ Hồi giáo ở Palangka Raya, tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Ngoài ra, họ được khuyến khích thực hiện các nghĩa vụ khác như làm từ thiện, cầu nguyện năm lần trong ngày và thực hiện chuyến đi hành hương dài ngày tới thánh địa Mecca. Trong ảnh: Buổi lễ cầu nguyện Tarawih tại Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Một tình nguyện viên người Saudi Arabia phân phát bữa ăn Iftar cho mọi người ở Riyadh, Saudi Arabia. (Nguồn: Reuters)
Các tín đồ Hồi giáo sẽ cầu nguyện 5 lần một ngày, gọi là "Salat", vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi Mặt Trời lặn và tối. Các tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu - tại trường học, nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời - nhưng phải theo quy định. Trong ảnh: Một tín đồ Hồi giáo thực hiện lễ cầu nguyện Tarawih tại một nhà thờ ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
Trước khi cầu nguyện, các tín đồ phải ở trong một trạng thái tinh thần và thể xác thanh khiết. Trước tiên, họ phải súc miệng, sau đó rửa mặt, cổ, tay và chân. Trong ành: Lễ cầu nguyện Tarawih tại một nhà thờ Hồi giáo ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
Nghi thức cầu nguyện này nhằm nhắc nhở các tín đồ về lối sống đúng đắn. Hồi giáo cũng được cho là tôn giáo quy định các tín đồ phải thực hiện nghi thức cầu nguyện thường xuyên nhất trong ngày. Trong ảnh: Lễ cầu nguyện trong một nhà thờ Hồi giáo ở Singapore. (Nguồn: Reuters)
Buổi cầu nguyện bao gồm việc đọc một số đoạn kinh Koran, quỳ lạy trên một tấm thảm và chạm trán xuống đất, thể hiện sự cung kính. Trong ảnh: Mọi người tham gia cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: Reuters)
Thông thường, các nhà thờ Hồi giáo hay tổ chức các bữa iftar lớn, đặc biệt dành cho những người nghèo khó. Sau iftar, họ sẽ cùng tập trung tại các nhà thờ này và đọc lời cầu nguyện của đạo Hồi. Các nền văn hóa khác nhau có truyền thống khác nhau trong tháng Ramadan, có nơi sẽ phải nấu một số món đặc biệt, có nơi thì người Hồi giáo sẽ cùng nhau ăn iftar với cả đại gia đình của mình. Trong ảnh: Mọi người mua thực phẩm cho bữa ăn iftar từ chợ tạm Chawkbazar ở Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: Reuters)
Lễ cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan. (Nguồn: Reuters)
Vào dịp này, người dân cũng sắm sửa trang phục truyền thống và đồ trang trí cho tháng lễ Ramanda. Trong ảnh: Người đàn ông đang chọn mua mũ trùm đầu ở Peshawar, Pakistan. (Nguồn: Reuters)
Đèn lồng Fanous đặc trưng tạo nên màu sắc ảo diệu, linh thiêng cho không gian Thánh lễ của cộng đồng Hồi giáo. Trong ảnh: Khu bán đồ trang trí ở Amman, Jordan. (Nguồn: Reuters)
Fanous có nghĩa là “ánh sáng” hoặc “đèn”, “lồng đèn”. Trong lịch sử, thuật ngữ này được sử dụng với nghĩa “ánh sáng của thế giới” và là một biểu tượng của niềm hy vọng thắp sáng con đường từ trong bóng tối. Trong ảnh: Những chiếc đèn lồng truyền thống của tháng Ramadan tại một gian hàng ở Cairo, Ai Cập. (Nguồn: Reuters)
Một người bán hàng sắp xếp đèn lồng trang trí cho tháng lễ Ramadan ở thành cổ Jerusalem. (Nguồn: Reuters)
Trong tháng lễ Ramanda, nhu cầu về thực phẩm chay tăng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, từ đó đẩy giá một số mặt hàng tăng. Trong ảnh: Người bán hàng ở Sanaa, Yemen cho biết, giá chà là năm nay cao hơn nhiều so với năm ngoái. (Nguồn: Reuters)
Quầy bán dưa hấu tại chợ Hamarweyne ở Mogadishu, Somalia. (Nguồn: Reuters)
Gian hàng bán ô liu và dưa chua trong một khu chợ ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza. (Nguồn: Reuters)
(theo Reuters)