Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Argentina. |
1. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp. Đất nước bị nô dịch, người dân lầm than, cơ cực. Không chịu khuất phục chế độ áp bức của chính quyền thực dân, các tầng lớp nhân dân ta lần lượt đứng dậy đấu tranh nhưng đều đi đến thất bại. Xã hội Việt Nam khủng hoảng trầm trọng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Sinh thời trong cảnh “nước mất, nhà tan”, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã sớm thức tỉnh, đau đáu niềm mong muốn tìm con đường cứu nước, cứu dân. Nguyễn Tất Thành lựa chọn hướng đi sang các nước tư bản phương Tây để tìm hiểu sự thật đằng sau khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, từ đó trở về giúp đồng bào.
Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Người bắt đầu chuyến hành trình trên con tàu Amiral Latouche Tresville, với một khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” .
Những năm lao động và tìm hiểu thực tiễn ở các nước thuộc châu Âu, châu Phi, châu Mỹ (1911–1920) đã giúp Nguyễn Tất Thành nhận thức nhiều vấn đề về đấu tranh cách mạng. Người vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản: ở đâu đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính; ở đâu đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, đấu tranh giải phóng.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Người giải đáp những vấn đề cơ bản về con đường giải phóng dân tộc mà Người tìm kiếm bấy lâu. Người vỡ òa trong cảm xúc: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.
Tháng 12/1920, tại Đại hội Tours, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu bước ngoặt từ một người Việt Nam yêu nước tiến bộ trở thành một nhà quốc tế cộng sản.
Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh tư liệu) |
Sau khi xác định con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước. Bằng cả một trái tim nhiệt huyết trọn vẹn dành cho cách mạng, Người đã mang đến một luồng gió mới đối với nhân dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, khơi dậy trong họ tinh thần đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Đồng thời, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh theo khuynh hướng cách mạng vô sản ở Việt Nam trong giai đoạn 1925–1930, tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thành lập một chính đảng vô sản.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Hong Kong), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt. Đảng ra đời chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cách mạng và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam, trở thành nhân tố then chốt, quyết định sự phát triển của cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, mang tính bước ngoặt: thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945); thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết thúc 9 năm kháng chiến (1945–1954); thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chấm dứt 20 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ (1954–1975), giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, bảo toàn thành quả của Cách mạng Tháng Tám; và những kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước, đổi mới đất nước (1975–nay).
Những thắng lợi này đã ghi dấu ấn đậm nét, hào hùng trong lịch sử nhân loại, trong đó nổi bật lên vai trò và hình tượng vĩ đại của người Anh hùng giải phóng dân tộc – Hồ Chí Minh, có tác động và ảnh hưởng sâu rộng, cổ vũ giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới đứng lên đấu tranh vì các mục tiêu tiến bộ của thời đại.
2. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (1969), song tư tưởng của Người luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đến đích cuối cùng. Tư tưởng, tấm gương đạo đức và sự nghiệp cách mạng lừng lẫy của Người in đậm trong tâm tưởng của bạn bè và nhân dân thế giới.
Người là nhân vật lịch sử đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống, một nhân vật dù không còn nhưng vẫn luôn hiện hữu trong tình cảm và ý chí của những người cách mạng.Người mang đến một viễn cảnh và hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những người đang tích cực đấu tranh loại bỏ những bất công, bất bình đẳng trên hành tinh này. Và Người đã trở thành biểu tượng đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 về việc quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất” vào năm 1990 và kêu gọi các nước thành viên tham gia kỷ niệm sự kiện này. Năm 2000, UNESCO đã tổ chức hội thảo, ghi nhận những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nền hòa bình thế giới nhân dịp năm “vì hòa bình” và kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người.
Cảm phục cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng Nghị quyết của UNESCO, cũng như mong muốn đẩy mạnh mối quan hệ ngoại giao, hợp tác với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã có những hình thức suy tôn phù hợp, nhất là những nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sinh sống và làm việc.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ chính trị này, năm 2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam triển khai Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”.
Qua 10 năm thực hiện Đề án, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình thức tôn vinh khác nhau như: xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm, đặt tên đường phố, lưu trữ tư liệu, văn học – nghệ thuật, hội thảo…
Các công trình đều được xây cất ở những vị trí trang nghiêm, bày tỏ sự trân trọng đối với vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Điều này đã cho thấy không chỉ riêng nhân dân Việt Nam mà nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng rất tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân của lịch sử thế giới thế kỷ XX.
Tính đến nay, đã có 35 tượng, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ở 20 nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào, Thái Lan,Pháp, Nga, Hungary, Cuba, Venezuela, Argentina, Mexico, Chile, Panama, Dominica, Madagascar...).
Có nhiều đường phố, đại lộ (riêng Pháp có 7 đường phố, Italy có 21 đường phố), 16 khu tưởng niệm và công viên, 6 bia tưởng niệm, 6 trường học mang tên Người ở nước ngoài. Có 40 cuốn sách, trên 200 công trình nghiên cứu lớn nhỏ, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học… trên thế giới viết về Người.
Tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. Ảnh chụp Tượng đài Hồ Chí Minh tại Moscow. |
Tên tuổi của Người đã được ghi vào các bộ đại bách khoa, từ điển danh nhân lỗi lạc của thế giới và là nguồn cảm xúc đặc biệt cho nhiều nhạc sĩ viết lên những ca từ sâu lắng như ca khúc Hồ Chí Minh kính yêu muôn đời của nhạc sĩ Buangeun Saphouvong, bản giao hưởng Hồ Chí Minh – Mặt trời soi sáng muôn đời, Hồng Hà – Mê Công, Bông sen đỏ của nhạc sĩ Douangmixay (Lào)…
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều học giả nước ngoài quan tâm nghiên cứu về Người nhằm giải mã những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua hình tượng Hồ Chí Minh.
Thông qua những hoạt động này, nhân dân thế giới cũng hiểu rõ hơn truyền thống, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam cũng như tinh thần cởi mở, sẵn sàng làm bạn với các nước trên thế giới. Đồng thời, thúc đẩy tầm ảnh hưởng sâu rộng của việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lan tỏa tư tưởng, khát vọng đấu tranh vì các mục tiêu tiến bộ của nhân loại.
“Được UNESCO vinh danh vào năm 1987, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị anh hùng dân tộc của Việt Nam và là một nhân vật xuất chúng về văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ của người dân Việt Nam mà còn là một người bạn tuyệt vời của các dân tộc trên khắp thế giới”. Ông Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam |
Qua đó, tuyên truyền được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đến các nước trên khắp các châu lục…
Để các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài duy trì hiệu quả lâu dài, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần tập trung nghiên cứu thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các kênh, phương tiện ngoại giao chính thức của Đảng và Nhà nước, với nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền đa dạng, phong phú để chính quyền, nhân dân các nước hiểu rõ hơn về một vĩ nhân của lịch sử nhân loại. Từ đó, góp phần duy trì hình tượng, biểu tượng của Người về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về ý chí và khát vọng đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Hai là, tăng cường các hoạt động tổ chức nghiên cứu, hội thảo khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thu thập thêm các nguồn tư liệu quý giá ở các nước mà Người đã từng sinh sống và làm việc. Qua đó, làm sáng tỏ hơn, khẳng định một cách sâu sắc hơn về cuộc đời của một bậc vĩ nhân đã được thế giới tôn vinh.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác ngoại giao văn hóa với các nước trên thế giới để việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được duy trì, ủng hộ lâu bền, sâu rộng ở các nước đã có mối quan hệ ngoại giao, cũng như mở rộng thêm các hoạt động này ở các nước khác.
Bốn là, nghiên cứu nhân rộng mô hình tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài có tính tác động nhanh và giàu cảm xúc hình tượng như xây dựng tượng, tượng đài, sáng tác ca khúc…
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.
* Trích tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, ngày 25/2/2020.
Các hoạt động tôn vinh Bác đã góp phần thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên ở nước ngoài để trong giao tiếp đối ngoại luôn thể hiện sự tự tin, văn hóa, chân thành đồng thời trong tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại luôn thể hiện tinh thần yêu dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ. Tôn vinh Bác nhằm đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tôn vinh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh của Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa, độc đáo; đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc khác và trách nhiệm với công việc chung của thế giới. Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của Việt Nam với các nước, các tổ chức trên thế giới; nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc tôn vinh Bác ở nước ngoài xuất phát từ tình cảm của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới đối với Bác Hồ và là một nội dung quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung |