Trong một bài báo trên website của tờ The Guardian ngày 19/8, biên tập viên Alan Rusbridger tiết lộ, một tháng trước, sau khi tờ Guardian xuất bản một loạt bài dựa theo những tài liệu mà Snowden cung cấp, ông đã nhận được điện thoại từ một quan chức của Chính phủ, đe dọa sẽ lấy lại những tài liệu này.
Theo ông Alan Rusbridger, sau nhiều ngày gây sức ép bất thành, hai "chuyên gia an ninh" đến từ GCHQ - một phiên bản của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ của Anh đã tới các văn phòng của The Guardian ở London để chứng kiến các máy tính chứa tài liệu bí mật mà Snowden cung cấp bị phá hủy tại tầng hầm của trụ sở báo. Song ông Alan khẳng định, việc làm này không thể ngăn cản sự xuất hiện thêm những thông tin do Edward Snowden cung cấp bởi vì rất nhiều tổ chức truyền thông bên ngoài lãnh thổ nước Anh cũng sở hữu những thông tin này và tiếp tục cho đăng tải.
Bài báo được biên tập viên báo Guardian đưa ra tiếp sau vụ bắt giữ David Miranda, một công dân Brazil và là bạn của nhà báo Greenwald - cây viết của Guardian hôm 18/8 tại sân bay Heathrow London với lý do liên quan đến khủng bố. Greenwald là người đã gặp mặt trực tiếp Snowden ở Hongkong và là tác giả hoặc đồng tác giả nhiều câu chuyện của Guardian về các chương trình theo dõi của Mỹ nhằm vào liên lạc toàn cầu.
Reuters cho biết, khi bị bắt giữ David Miranda đang trên đường từ Đức quay trở lại thành phố Rio de Janeiro của Brazil sau khi có cuộc gặp với nhà làm phim người Mỹ Laura Poitras, người từng cùng với Glenn Greenwald lần đầu tiên ghi hình Edward Snowden thời điểm anh này ở Hong Kong. Theo anh Miranda, mặc dù lấy lý do là nghi ngờ liên quan đến khủng bố nhưng cảnh sát không hề hỏi anh bất cứ một câu hỏi nào về các vấn đề khủng bố hay tổ chức khủng bố mà chỉ tập trung hỏi về hoạt động tác nghiệp và cách thức các nhà báo The Guardian thực hiện, liên quan đến chương trình do thám của NSA. Anh David Miranda đã được trả tự do mà không chịu cáo buộc nào sau 9 tiếng bị thẩm vấn nhưng máy tính xách tay, điện thoại di động và các thẻ nhớ của anh bị tịch thu.
Đại diện một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ Anh đã biện hộ cho hành động này là để giúp cảnh sát thu thập những thông tin nhạy cảm chống lại nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, động thái vừa rồi của chính quyền London thực chất là nhằm gây sức ép buộc Glenn Greenwald phải dừng ngay những bài báo công bố các thông tin, tài liệu do Snowden cung cấp.
Ngay lập tức, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/8, nhà báo Greenwald đã khẳng định các nhà chức trách Anh sẽ phải “hối tiếc” khi giam giữ Miranda và sẽ tiếp tục công bố thêm những tài liệu liên quan đến nước Anh và hệ thống gián điệp của Anh.
“Những hành động vừa qua của chính quyền Anh, bao gồm cả việc bắt giữ David Miranda không chỉ đe dọa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tờ The Guardian mà còn đe dọa trực tiếp đến giới báo chí của Anh. Những gì Chính phủ Anh đang làm đã vi phạm trắng trợn luật tự do báo chí”, Greenwald nói.
Tuần trước, cựu nhân viên CIA xác nhận đã cung cấp cho “những nhà báo dũng cảm” gồm Glenn Greenwald và Laura Poitras rất nhiều tài liệu mật, trong đó có nhiều thông tin về tình báo và hệ thống do thám của Anh. Còn Glenn Greenwald, kể từ khi gắn bó với vụ Edward Snowden, nam phóng viên này thường xuyên vấp phải sự theo dõi của CIA, MI-6 và các cơ quan tình báo phương Tây khác.
Diễn Tú (tổng hợp)