Cầu Hòa Bình 2 nối hai bờ sông Đà tại Hòa Bình. (Ảnh: Phạm Chiểu) |
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định bốn khâu đột phá chiến lược, bao gồm: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; lập quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Tích cực triển khai bốn khâu đột phá
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, lấy kết quả thực hiện làm tiêu chí đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, theo đó, đã có những chuyển động tích cực, tạo sức hút từ các khâu đột phá chiến lược.
Thứ nhất, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Hơn nửa nhiệm kỳ qua, các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Lễ hội Cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ 2, năm 2024. (Ảnh: Hà Hoàng) |
Tỉnh chỉ đạo rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ để thu hút nhà đầu tư có tiềm năng vào tỉnh; lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, phù hợp với tiêu chí thu hút đầu tư của tỉnh, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy chế giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh, sớm khởi công để hoàn thành dự án, đưa dự án đi vào hoạt động; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển.
Thứ hai, về lập quy hoạch, quản lý quy hoạch. Tỉnh lập và tổ chức thành công Hội nghị quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục rà soát, hoàn thiện chỉ tiêu phân bổ đất trong Quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 09/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch trên địa bàn các xã, huyện, thành phố. Chỉ đạo thực hiện quy định phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên.
Thứ ba, thực hiện khâu đột phá về nguồn nhân lực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 11/10/2021 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều giải pháp định hướng, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp, hướng tới nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức truyền thông, định hướng, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp…
Cảnh sắc Hòa Bình. (Ảnh: Tống Thoan) |
Thứ tư, về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tỉnh đã huy động và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng vùng động lực, hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia. Hiện, Hòa Bình đã khởi công một số dự án trọng điểm như: đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.
Tỉnh tập trung chỉ đạo các dự án quan trọng như: đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 - Km7; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1)... Những dự án này đã tạo sức hút để địa phương khai thác tiềm năng, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình xem các loại cá tại Lễ hội Cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ 2, năm 2024. (Nguồn: Nhân dân) |
Đưa Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững
Trong 10 tháng đầu năm 2024, kinh tế Hòa Bình tiếp tục tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ, nổi bật là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Trong năm 2024, tỉnh chú trọng chỉ đạo triển khai nhiều chính sách khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, cũng như tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đây nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn đã giúp cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, công tác định hướng đa dạng hóa các sản phẩm được trú trọng, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp nông sản Hòa Bình tìm được đầu ra ổn định, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản như gạo nếp, rau củ quả, các sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Hòa Bình tăng cường tuyên truyền quản lý nghiêm về môi trường, thúc đẩy ưu tiên phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững. Nỗ lực bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên nước hợp lý trong sản xuất nông nghiệp. Sự ổn định trong sản xuất nông lâm thủy sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cam Cao Phong được trưng bày và giới thiệu tới người tiêu dùng tại Anh. (Nguồn: Báo Hòa Bình) |
Từ những kết quả đó, ước thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 10 đạt 1.773.730 triệu đồng, đạt 30,79% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Thu ngân sách Nhà nước đến hết tháng 10 ước đạt 6.364.000 triệu đồng, so với cùng kỳ tăng hơn hai lần. Trong đó, thu nội địa ước đạt 5.997.052 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn hai lần, thu xuất nhập khẩu ước đạt 366.948 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 86,03%. Thu ngân sách địa phương ước thực hiện hết tháng 10 đạt 23.438.901 triệu đồng, tăng 23,25% so với cùng kỳ năm trước, bằng 162% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và bằng 145,51% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra là: “Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước”. Những thành tựu đạt được trong những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng anh hùng cùng với khát vọng phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, Hòa Bình sẽ thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đưa địa phương phát triển nhanh, bền vững.